Chiều 8-5, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ đã thay mặt Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao công bố phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó, quyết định giám đốc thẩm lần lượt đề cập đến 18 vấn đề mà kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao đã đưa ra. Đây cũng đồng thời là 18 căn cứ, lập luận để tòa bác kháng nghị nói trên và khẳng định Hải không bị kết án oan.
“Đủ cơ sở kết luận Hải có mặt ở hiện trường”
Kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng bản án sơ thẩm, phúc thẩm nhận định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường là không có căn cứ.
Tuy nhiên, HĐTP TAND Tối cao cho rằng lời khai của các nhân chứng về nhận dạng chiếc xe Hải sử dụng là phù hợp, nhận dạng về hình dạng của Hải có mặt ở hiện trường thời điểm gây án cũng phù hợp. Hải cũng tự khai mặc áo xanh sẫm, ngực có kẻ trắng, giống như các nhân chứng mô tả. Hải sau này khai đã đốt áo vì lo sợ; đống tro thu được có vải màu sẫm, có vải màu trắng…
Lời khai của Hải đưa tiền cho nạn nhân Vân đi mua trái cây cũng phù hợp nhân chứng khai thấy nạn nhân này đi mua trái cây, khám nghiệm hiện trường cũng có trái cây. Từ đó, HĐTP cho rằng có đủ cơ sở kết luận Hải có mặt tại hiện trường.
Kháng nghị chỉ ra nội dung lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với khám nghiệm hiện trường. Cụ thể, Hải có nhiều lời khai, ban đầu khai dùng tay đấm vào mặt, sau lại khai dùng lavabo. Có lời khai dùng tay đấm mặt, dùng thớt đập, dùng dao cứa cổ. Nhiều lúc Hải khai dùng tay bóp cổ, giao cấu với chị Hồng rồi xuất tinh ra quần áo của mình rồi cả hai mặc quần áo. Có lời khai lại là Hải muốn giao cấu nhưng bị chị Hồng đạp vào bụng…
Vấn đề này HĐTP cho rằng Hải khai không hiếp dâm chị Hồng là phù hợp, vì khám nghiệm âm đạo không có tinh trùng. Hải khai sờ sẫm chị Hồng là đúng vì phù hợp khám nghiệm.
HĐTP cho rằng Hải không bị bức cung, dùng nhục hình. Trong nhiều bản cung, Hải cho rằng do tâm lý sợ, muốn kéo dài thời gian sống nên bịa lời khai. Tuy lời khai có mâu thuẫn nhưng những lời khai đã được làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không cần phải hủy án, điều tra, truy tố, xét xử lại như đề nghị của VKSND Tối cao.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ thay mặt Hội đồng Thẩm phán công bố phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN
“Sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án”
Liên quan đến việc khám nghiệm hiện trường, VKSND Tối cao cho rằng dấu vân tay thu tại lavabo, cửa kính ở hiện trường không phải của Hồ Duy Hải, là của ai chưa được làm rõ.
Theo HĐTP, cơ quan điều tra đã làm rõ việc này. Quá trình điều tra đã lấy dấu vân tay 140 người nghi liên quan nhưng không tìm được kết quả trùng khớp. Tuy nhiên, lời khai của bị cáo phù hợp biên bản hiện trường, lời khai nhân chứng… Tất cả đều chứng minh Hồ Duy Hải thực hiện hành vi phạm tội.
Kháng nghị cũng cho rằng hai bản án xác định chiếc ghế được thu thập là công cụ phạm tội, nhưng thực tế chiếc ghế đó không liên quan đến vụ án. Con dao và cái thớt thu giữ được do hai nhân chứng cung cấp không có giá trị chứng minh về công cụ gây án của người phạm tội.
HĐTP cho rằng qua nghiên cứu hai bản án, HĐXX không xác định chiếc ghế thu thập được là công cụ phạm tội. VKS trích dẫn hai bản án nêu trên để đưa vào kháng nghị là không đúng. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện VKSND Tối cao đã thừa nhận sai sót này và đề nghị đính chính kháng nghị.
Hội đồng giám đốc thẩm cũng cho rằng việc mua dao, thớt là có thật, để phục vụ việc nhận dạng vật tương tự để thực nghiệm điều tra, không phải để thay thế vật chứng của vụ án như kháng nghị của VKSND Tối cao đã nêu.
Đáng chú ý, kháng nghị cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ví dụ, khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ vật chứng của vụ án. Cái thớt, chiếc ghế là vật chứng quan trọng và là vật mang dấu vết của tội phạm. Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh nhưng không thu giữ để truy nguyên là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng tố tụng…
HĐTP cho rằng những kiến nghị trên của VKSND Tối cao là đúng nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Hội đồng đề nghị cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành kiểm điểm làm rõ việc này.
“Hải luôn nhận tội ở những thời điểm quan trọng”
Đáng chú ý, HĐTP cho rằng ở những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Cụ thể, Hải đồng ý với các nội dung trong kết luận điều tra, đồng ý với các nội dung trong cáo trạng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa thẩm vấn, bị cáo nhận tội. Khi luật sư, đại diện VKS hỏi, Hải lại khai không có hành vi giết chị Hồng và chị Vân, không chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố nhưng không lý giải được lý do thuyết phục.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hải có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội. Sau xét xử phúc thẩm, Hải có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, không kêu oan.
Trước khi trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình, VKSND Tối cao đã xác minh, lấy lời khai của Hải trong trại giam. Hải nhận tội và tỏ ra ân hận về hành vi phạm tội của mình.
“Trong những thời điểm quan trọng, Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn được giảm hình phạt” – HĐTP nhận định.
Ngoài ra, quá trình điều tra, truy tố, xét xử không có việc bức cung, ép cung, dùng nhục hình đối với Hải. Không có cơ sở chứng minh Hải ngoại phạm. Nhiều tình tiết chỉ người thực hiện hành vi phạm tội mới có thể đưa ra được lời khai phù hợp với hiện trường vụ án, kết quả giám định và tình tiết sự việc.
Lời nhận tội của bị cáo đã được các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và các đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan. Xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người, năm năm tù về tội cướp tài sản là đúng pháp luật.
“Dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án, do vậy không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng VKSND Tối cao” – quyết định giám đốc thẩm nêu.
Bốn vấn đề biểu quyết và sự đồng thuận 100%
Trước khi ra phán quyết, chủ tọa phiên giám đốc thẩm của HĐTP TAND Tối cao – Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã lấy biểu quyết về bốn vấn đề: 1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”. 2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”. 3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17-5-2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSND Tối cao có đúng pháp luật hay không? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”. 4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”. “Kháng nghị vi phạm pháp luật tố tụng hình sự” Theo HĐTP TAND Tối cao, sau khi xét xử phúc thẩm, Hồ Duy Hải có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải và có tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hải. Văn phòng Chủ tịch nước sau đó có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án. Pháp luật tố tụng hình sự quy định các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền, chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính. Trong khi quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật, viện trưởng VKSND Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước là bảo đảm đúng quy định của pháp luật tại công văn nói trên. Cũng theo HĐTP, BLTTHS không quy định thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác, trừ quy định về thi hành án. |