Câu hỏi:
Bố em mất từ năm 2005. Để lại miếng đất 10.000 m2, không để lại di chúc. Ông bà nội đã chết trước bố. Mẹ em còn sống, ngoài ra em còn có hai người chị gái. Em muốn hỏi tài sản thừa kế chia ra sao? Thủ tục kê khai di sản thừa kế như thế nào?
Trả lời:
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Công chứng năm 2014;
Nội dung tư vấn:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015:
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
…”
Bố bạn chết không để lại di chúc thì tài sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
…- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”
Do bạn không nêu rõ thửa đất 10.000 m2 nêu trên là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn hay là tài sản riêng của bố bạn nên chúng tôi đưa ra hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Thửa đất là tài sản riêng của bố bạn
Vì ông bà nội bạn đã chết nên tài sản thừa kế của bố bạn sẽ chia đều cho vợ (mẹ bạn) và các con (tức là bạn và 2 người chị của bạn). Mỗi người hưởng 25% giá trị toàn bộ thửa đất nêu trên.
Trường hợp 2: Thửa đất là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn
Vì là tài sản chung của bố mẹ bạn nên tài sản này sẽ được chia đôi cho vợ và chồng mỗi người một nửa, do đó di sản thừa kế của bố bạn để lại chỉ là một nửa giá trị của thửa đất nêu trên (tương đương 5000 m2 đất). Vì ông bà nội bạn đã chết nên tài sản thừa kế của bố bạn sẽ chia đều cho vợ (mẹ bạn) và các con (tức là bạn và 2 người chị của bạn).
Như vậy, Mẹ của bạn, 2 chị và bạn mỗi người sẽ được thừa kế 25% phần di sản mà bố bạn để lại (5000 m2 đất).
Nếu tính tổng trên cả thửa đất (10.000 m2) thì mẹ bạn sẽ được hưởng 50% + 12,5% giá trị của toàn bộ thửa đất, bạn và 2 người chị mỗi người được 12,5% giá trị của toàn bộ thửa đất.
Căn cứ theo Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014, bạn hoặc những người thừa kế trên có thể đến cơ quan công chứng tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Hồ sơ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế
- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
- Giấy chứng tử của bố bạn;
- Giấy chứng tử của ông bà nội bạn; (nếu mất có thể đến UBND xã, phường nơi cấp giấy chứng tử của ông bà nội bạn xin trích lục)
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản của bố bạn bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; …;
- Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: căn cước công dân, hộ khẩu, khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.
Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế
- Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
- Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
- Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
- Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Điều 57 Luật Công chứng 2014) hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (Điều 58 Luật Công chứng 2014).
Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về vấn đề chia di sản thừa kế. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn, thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.
Trân trọng!
Luật sư HUỲNH THỊ NGỌC HUYỀN
BTV: Nguyễn Ngọc Như Ý
Công ty Luật TNHH MTV Công Bình
Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM
Điện thoại: 096 567 3939 – 0913 663344
Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn