CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới, tội gì?

Vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới, tội gì?

48

Vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới, tội gì?

Vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới, tội gì?
(PL)- Vận chuyển 200.000 cái khẩu trang y tế trái phép qua Campuchia mà không chứng minh được mục đích mua bán thì phạm tội buôn lậu hay tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới?
Ngày 15-7, TAND tỉnh Tây Ninh đã đưa vụ án Nguyễn Văn Chiến và Trần Trường Thọ vận chuyển 200.000 khẩu trang qua biên giới ra xử sơ thẩm. Theo dự kiến, sáng nay (17-7), tòa sẽ tuyên án.

Đây là vụ án còn gây tranh cãi về tội danh, bởi VKS truy tố hai bị cáo tội buôn lậu trong khi hành vi của họ có dấu hiệu phạm một tội khác.

Viện đề nghị phạt đến 15 năm tù

Theo cáo trạng, khoảng đầu tháng 3, thông qua Facebook, một người đàn ông tên Khởi (người Campuchia, không rõ lai lịch) biết chị Huỳnh Ngọc Anh (quận Tân Phú, TP.HCM) bán khẩu trang y tế nên đã đặt mua 200.000 cái, đã thanh toán đủ tiền và hẹn sẽ đến nhận.

Khởi thuê Nguyễn Văn Chiến đến quận Tân Phú nhận hàng và chuyển sang Campuchia qua đường Trạm kiểm soát biên phòng Hòa Hiệp thuộc Đồn biên phòng Lò Gò (Tây Ninh) để giao cho Khởi với tiền công là 2 triệu đồng.

Sáng 20-3, Chiến thuê Trần Trường Thọ vận chuyển từ quận Tân Phú về Tây Ninh với giá 2,2 triệu đồng. Thọ chạy xe tải chở hàng và Chiến ngồi ghế phụ xe, đến Trạm kiểm soát biên phòng Hòa Hiệp, thấy barie của trạm đã mở sẵn, Chiến kêu Thọ chạy qua Campuchia để giao hàng thì Thọ đồng ý. Chạy được khoảng 20 m thì cả hai bị bắt quả tang.

Cáo trạng VKSND tỉnh Tây Ninh cho rằng Nguyễn Văn Chiến và Trần Trường Thọ đã thực hiện hành vi vận chuyển trái phép 200.000 cái khẩu trang y tế trị giá 200 triệu đồng. Hành vi của Chiến và Thọ đặc biệt nguy hiểm cho xã hội nên đã bị truy tố về tội buôn lậu theo điểm c khoản 4 Điều 188 BLHS (có khung hình phạt 12-20 năm tù).

Tại phiên tòa ngày 15-7, đại diện VKSND tỉnh Tây Ninh đề nghị HĐXX phạt Chiến 13-15 năm tù, Thọ 12-14 năm tù.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Chiến và Thọ đều cho rằng cả hai bị cáo không phạm tội buôn lậu như cáo trạng truy tố. Luật sư của Thọ cho rằng bị cáo không hề có hành vi buôn bán hàng hóa trái phép qua biên giới. Thọ không có ý định vận chuyển khẩu trang y tế qua Campuchia để bán thu lợi và cũng chưa thực hiện hành vi buôn lậu trên thực tế…

Vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới, tội gì? - ảnh 1
Hai bị cáo Thọ và Chiến tại tòa. Ảnh: NGUYỄN DUY

Xử tội buôn lậu là chưa ổn

Xung quanh vụ án này, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Theo quy định của BLHS 2015 thì hành vi vận chuyển trái phép khẩu trang qua biên giới có thể bị xử lý hình sự về tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS).

Về mặt pháp lý, điểm khác nhau căn bản giữa tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS) là việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới là để “buôn bán” trái phép hay chỉ đơn thuần “vận chuyển” trái phép qua biên giới. Buôn bán được hiểu là mua đi bán lại hàng hóa hoặc mua nhằm bán lại hàng hóa đó.

Như vậy, để có thể truy cứu Nguyễn Văn Chiến, Trần Trường Thọ về tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) thì phải chứng minh được hai người này vận chuyển khẩu trang để bán cho người khác. Tuy nhiên, trong vụ án này, để chứng minh Chiến và Thọ vận chuyển khẩu trang để bán trái phép qua biên giới (buôn bán trái phép) là khó. Bởi lẽ:

Thứ nhất, cơ quan tố tụng không bắt được Khởi là người được cho là đã thuê Chiến chở khẩu trang qua biên giới. Do cơ quan tố tụng khó xác định được Chiến chở khẩu trang qua biên giới là nhằm mục đích gì nên không thể kết luận Chiến và Thọ vận chuyển khẩu trang để bán cho người khác được. Bản thân Chiến cũng chỉ được thuê để vận chuyển số khẩu trang qua biên giới với số tiền là 2 triệu đồng chứ không rõ là mang số khẩu trang này làm gì.

Thứ hai, Thọ là tài xế vận chuyển trái phép qua biên giới cũng chỉ là người được Chiến thuê để lấy tiền công, không biết mục đích vận chuyển để làm gì nên không thể coi hành vi của Thọ là buôn bán trái phép qua biên giới.

Thứ ba, giả sử trong vụ án này nếu bắt được Khởi nhưng Khởi chỉ khai vận chuyển trái phép qua biên giới không nhằm mục đích buôn bán số khẩu trang này (để làm từ thiện, mua cho cơ quan y tế của Campuchia, mua cho tổ chức nào để sử dụng…) thì cũng không thể kết luận Khởi có hành vi buôn bán khẩu trang trái phép qua biên giới. Lúc đó, cơ quan tố tụng cũng chỉ có thể truy tố Khởi về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189 BLHS). Điều này càng không có cơ sở để chứng minh Chiến, Thọ đồng phạm về tội buôn lậu với Khởi được.

Tóm lại, với những tình tiết của vụ án thể hiện trong cáo trạng thì không có đủ chứng cứ để chứng minh hai bị cáo có hành vi vận chuyển trái phép khẩu trang để bán cho người khác nhằm thu lợi bất chính. Do đó, chỉ có thể xử lý Chiến, Thọ về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189 BLHS) là hợp lý nhất.

Cần lưu ý, tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) có hình phạt nghiêm khắc hơn so với tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189 BLHS). Do đó, nếu không đủ chứng cứ để chứng minh Chiến, Thọ phạm tội buôn lậu thì phải suy đoán theo hướng có lợi cho các bị cáo phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, như thế mới có tính hợp lý và thuyết phục hơn về mặt pháp luật.

Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mới đúng

Tôi đồng tình với ý kiến của TS Phan Anh Tuấn. Động cơ của tội buôn lậu là nhằm mục đích mua bán để vụ lợi, còn động cơ của vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì không nhằm mục đích mua bán, vụ lợi.

Nếu điều tra, chứng minh và xử lý được Khởi ở tội buôn lậu thì mới có thể xem xét hành vi của hai bị cáo Chiến và Thọ ở vai trò đồng phạm giúp sức hay không. Tuy nhiên, trong vụ án này, cả kết luận điều tra và cáo trạng chỉ chứng minh được hai bị cáo có vai trò vận chuyển trái phép chứ không có yếu tố là người mua, người bán hay vụ lợi trong việc buôn bán này. Do đó, hành vi của Thọ và Chiến nếu có vi phạm thì chỉ có thể xử lý ở hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189), chứ không thể xử lý về tội buôn lậu (Điều 188).

Luật sư LÊ QUANG VŨĐoàn Luật sư TP.HCM

NGÂN NGA
Danh mục: Uncategorized

Tác giả