Những vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn về bảo hành công trình xây dựng

Những vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn về bảo hành công trình xây dựng

18

(LSVN) – Tranh chấp liên quan đến bảo hành công trình xây dựng xảy ra phổ biến, qua đó cho thấy có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong trong thực tiễn nhưng chưa được các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoặc đã điều chỉnh chưa cụ thể. Thông qua việc giới thiệu, bình luận đường lối giải quyết của Tòa án và Trọng tài trong các vụ tranh chấp, tác giả sẽ phân tích, làm rõ một số vấn đề pháp lý xoay quanh nội dung bảo hành công trình xây dựng, bao gồm: (i) Thời hạn bảo hành; (ii) bảo lãnh bảo hành và (ii) nghĩa vụ bảo hành trong trường hợp chấm dứt hợp đồng xây dựng.

Ảnh minh hoạ.

1.  Thời hạn bảo hành

1.1. Thời điểm bắt đầu

Thời điểm ký biên bản nghiệm thu

Pháp luật xây dựng hiện hành đang theo hướng thời hạn bảo hành công trình xây dựng được tính kể từ thời điểm nghiệm thu. Cụ thể, khoản 5 Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định: “Thời hạn bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp được tính kể từ khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định…” Thông thường, sau khi công trình xây dựng được thi công hoàn thành, bên giao thầu và bên nhận thầu sẽ tiến hành nghiệm thu và lập thành biên bản để ghi nhận kết quả. Trường hợp này, thời điểm các bên ký kết biên bản nghiệm thu cũng đồng thời là thời điểm bắt đầu tính thời hạn bảo hành. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án cũng tính thời hạn bảo hành công trình xây dựng căn cứ vào ngày các bên ký biên bản nghiệm thu. Chẳng hạn, theo một bản án: “Hai bên đã ký biên bản nghiệm thu đối với Hợp đồng và đã thực hiện việc bàn giao công trình ngày 17/6/2019. Theo thoả thuận tại Điều 10.3 của Hợp đồng thì thời hạn bảo hành là 12 tháng kể từ ngày hợp đồng chính thực được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Do đó, ngày hết hạn bảo hành là 17/6/2020”[1].

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 123 Luật xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng; công trình sử dụng vốn đầu tư công phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở đây, có hai hoạt động cần phải phân biệt: hoạt động nghiệm thu (được thực hiện chủ yếu bởi bên giao thầu, bên nhận thầu và nhà thầu giám sát thi công[2]) và hoạt động kiểm tra công tác nghiệm thu (được thực hiện chủ yếu bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Trên thực tế, có trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp đã nhầm lẫn hai hoạt động nêu trên và tính thời hạn bảo hành bắt đầu từ ngày kiểm tra công tác nghiệm thu (thay vì ngày nghiệm thu). Cụ thể: “Ngày 25-01-2019 các bên gồm: Chủ đầu tư – Công ty TNHH A; Tư vấn giám sát – Công ty CP Tư vấn xây dựng tổng hợp (N); Tư vấn thiết kế – Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Fansipan và Nhà thầu thi công – Công ty Cổ phần xây dựng M đã ký kết “Biên bản số 02/NTHT nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng” (BL 112-114) đối với công trình” và công trình xây dựng “đã được Ban Quản ký Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình vào ngày 08-4-2019”. Tòa án đã nhận định như sau: “Thời gian bảo hành công trình là 12 tháng, được tính từ ngày xác nhận nghiệm thu, bàn giao công trình giữa hai bên (BL 149, 286)… Như vậy, đến tháng 4-2020 thì thời hạn bảo hành công trình đã chấm dứt”[3].

Cần lưu ý rằng, cho dù công trình xây dựng có thuộc đối tượng phải kiểm tra công tác nghiệm thu hay không, thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn bảo hành cũng được xác định là ngày các bên nghiệm thu công trình, theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Thời điểm khác

Trên thực tế, không hiếm xảy ra trường hợp công trình xây dựng không được bên giao thầu và bên nhận thầu ký biên bản nghiệm thu. Khi đó, nếu các bên có tranh chấp về việc công trình đã hết thời hạn bảo hành hay chưa[4], thì Tòa án vẫn phải giải quyết, mà theo đó tiên quyết là phải xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hạn bảo hành. Đối với các công trình xây dựng chưa ký biên bản nghiệm thu, việc xác định thời hạn bảo hành được tính bắt đầu từ thời điểm nào sẽ phức tạp hơn, phải dựa vào nhiều căn cứ khác nhau và thực tiễn xét xử tại Tòa án cũng rất đa dạng.

Có trường hợp Tòa án cho rằng thời điểm bắt đầu tính thời hạn bảo hành là ngày mà các bên xác nhận toàn bộ công việc theo hợp đồng đã hoàn thành. Cụ thể như sau: “Ngày 28/4/2011, hai bên xác nhận Công ty F đã thi công hoàn thành 100% nội dung công việc… Như vậy, thời điểm bảo hành công trình bắt đầu từ ngày 28/4/2011”[5]. Ở đây, các bên không lập biên bản nghiệm thu, nhưng đã xác nhận toàn bộ khối lượng việc được thi công hoàn thành, nên cũng đồng nghĩa là xác nhận công trình đã đủ điều kiện nghiệm thu theo quy định pháp luật[6]. Như vậy, để đưa ra nhận định, Tòa án đã căn cứ vào bản chất của công tác nghiệm thu trong hoạt động xây dựng là xác nhận công việc xây dựng, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng đã được thi công hoàn thành và đáp ứng ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, thay vì chỉ căn cứ vào biên bản nghiệm thu là hình thức ghi nhận các nội dung xác nhận nêu trên.

Trường hợp khác, Tòa án xác định thời hạn bảo hành được tính bắt đầu từ ngày các bên bàn giao công trình xây dựng. Theo một bản án, sau khi nhận định biên bản mà các bên đã ký “chưa phải là nghiệm thu công trình hoàn thành”, Tòa án cho rằng: “các hộ dân đã thanh lý hợp đồng với Công ty P, nhận nhà để hoàn thiện, sử dụng ổn định từ ngày 26-10-2012… công trình được coi là nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng từ thời điểm các hộ dân thanh lý hợp đồng với Công ty P để nhận nhà”. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 124 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), công trình xây dựng trước khi bàn giao phải được nghiệm thu theo quy định pháp luật. Do đó, có thể suy luận rằng: Nếu các bên đã thực hiện bàn giao thì đương nhiên công trình xây dựng phải được nghiệm thu trước đó. Vì vậy, trường hợp các bên không ký biên bản nghiệm thu nhưng đã bàn giao công trình, thì giải quyết theo hướng công trình đã được nghiệm thu và xác định thời điểm nghiệm thu là thời điểm bàn giao, đồng thời tính thời hạn bảo hành bắt đầu từ thời điểm bàn giao (như Tòa án trong vụ đang được nghiên cứu) là có thể chấp nhận được.

Mặt khác, có trường hợp Tòa án tính thời hạn bảo hành bắt đầu từ thời điểm các bên ký xác nhận biên bản quyết toán hợp đồng đối với công trình chưa được nghiệm thu, với nhận định sau đây: “Hiện nay, các bên chưa ký Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình. Công trình được nghiệm thu lần cuối là lần 101 vào ngày 28/8/2017, Biên bản quyết toán hợp đồng vào ngày 11/10/2017 mới bắt đầu thời hạn bảo hành toàn bộ công trình”[7]. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Xây dựng 2014, đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, thời hạn quyết toán hợp đồng không vượt quá 60 ngày, kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc của hợp đồng. Tương tự như bàn giao công trình, việc quyết toán hợp đồng xây dựng chỉ được thực hiện sau khi công trình đã được nghiệm thu. Tuy nhiên, quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Hiện nay, pháp luật xây dựng không quy định về thời hạn quyết toán đối với công trình không sử dụng các nguồn vốn nêu trên. Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy rất nhiều hợp đồng xây dựng không liên quan đến vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công quy định hồ sơ quyết toán phải có biên bản nghiệm thu công trình[8] hoặc việc quyết toán được thực hiện sau khi đã nghiệm thu công trình[9]. Trong các trường hợp này, nếu bên giao thầu và bên nhận thầu đã quyết toán hợp đồng, thì hoàn toàn có thể suy luận rằng công trình xây dựng đã được nghiệm thu trước đó. Như vậy, giải pháp mà Tòa án áp dụng trong vụ đang được nghiên cứu, theo đó, đối với các công trình chưa ký biên bản nghiệm thu nhưng đã quyết toán hợp đồng, thì xác định công trình đã được nghiệm thu và thời điểm nghiệm thu là thời điểm quyết toán hợp đồng, để từ đó tính thời hạn bảo hành bắt đầu từ thời điểm quyết toán hợp đồng là có thể chấp nhận được.

Nguyên tắc chung

Pháp luật quy định thời hạn bảo hành công trình xây dựng được tính kể từ thời điểm nghiệm thu. Biên bản nghiệm thu là hình thức phổ biến ghi nhận kết quả và thời điểm nghiệm thu công trình, nhưng thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy đây không phải là hình thức duy nhất ghi nhận các nội dung nêu trên. Ngoài biên bản nghiệm thu, các các căn cứ khác mà cơ quan giải quyết tranh chấp vận dụng để xác định công trình xây dựng đã được nghiệm thu chủ yếu xoay quanh trọng tâm: Các bên liên quan đã có ý chí về việc chấp nhận nghiệm thu công trình xây dựng đó. Ý chí này có thể bằng hành vi như bàn giao, đưa công trình vào khai thác, sử dụng hoặc hoặc thông qua văn bản như xác nhận công trình đã thi công hoàn thành hoặc quyết toán hợp đồng. Theo đó, thời điểm nghiệm thu được xác định là thời điểm xảy một trong ra các sự kiện nêu trên – thời điểm mà các bên thể hiện ý chí nghiệm thu công trình. Như vậy, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, có thể rút ra nguyên tắc sau: Các hành vi hoặc văn bản ghi nhận ý chí chấp nhận nghiệm thu công trình của các bên có giá trị tương đương như biên bản nghiệm thu trong việc xác định công trình đã được nghiệm thu hay chưa và xác định thời điểm nghiệm thu, đồng thời cũng là thời điểm bắt đầu tính thời hạn bảo hành.

1.2. Thời hạn bảo hành do Tòa án ấn định

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, thời hạn bảo hành công trình xây dựng do bên giao thầu và bên nhận thầu thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP nêu trên có quy định về thời hạn bảo hành tối thiểu tương ứng từng cấp công trình. Như vậy, thời hạn bảo hành công trình xây dựng thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nhưng không được thấp hơn thời hạn mà pháp luật quy định. 

Trên thực tế, có thể xảy ra trường hợp bên giao thầu và bên nhận thầu không thỏa thuận về thời hạn bảo hành trong hợp đồng xây dựng và tranh chấp với nhau về việc công trình đã hết thời hạn bảo hành hay chưa. Trong một vụ việc như vậy, Tòa án đã giải quyết theo hướng: “Mặc dù trong hợp đồng các bên không có thỏa thuận về thời gian bảo hành công trình nhưng theo quy định tại Điều 82 Luật xây dựng năm 2003 và Điều 35 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 thì thời gian bảo hành công trình không ít hơn 24 tháng. Như vậy, công trình được nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 01/12/2016 sẽ hết thời gian bảo hành vào ngày 01/12/2018”[10]. Với nhận định nêu trên, có hai kết luận quan trọng được rút ra như sau:

(i) Trường hợp các bên không có thỏa thuận thời hạn bảo hành trong hợp đồng xây dựng và có tranh chấp về vấn đề này, thì Tòa án có quyền ấn định thời hạn bảo hành; và

(ii) Thời hạn bảo hành được ấn định bằng với mức tối thiểu theo quy định pháp luật.

Hướng giải quyết nêu trên bảo đảm cân bằng lợi ích của bên giao thầu và bên nhận thầu, bởi lẽ bên nhận thầu vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành công trình xây dựng cho bên giao thầu, nhưng thời hạn bảo hành được giới hạn lại trong một khoảng nhất định. Mặt khác, hướng này cũng phù hợp với quy định pháp luật về thời hạn bảo hành công trình xây dựng tối thiểu, vì thời hạn bảo hành được ấn định không thấp hơn mức tối thiểu.

Lưu ý rằng, theo quy định tại 5 Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, thời hạn bảo hành công trình tối thiểu có nhiều mức khác nhau, được xác định căn cứ theo từng cấp công trình. Vì vậy, tiên quyết là phải xác định chính xác cấp của công trình đang có tranh chấp, sau đó, ấn định thời hạn bảo hành tương ứng với mức tối thiểu của cấp công trình đó theo quy định pháp luật, thay vì mặc định thời hạn bảo hành tối thiểu áp dụng cho mọi cấp công trình luôn là 24 (hai mươi bốn) tháng.

2.  Bảo lãnh bảo hành

2.1. Thư bảo lãnh hoặc tiền bảo hành

Trong thời hạn bảo hành, bên nhận thầu có nghĩa vụ khắc phục, sửa chữa, thay thế những hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nêu trên, khoản 2 Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP cho phép các bên thỏa thuận sử dụng tài sản bảo đảm, bên giao thầu được trích và giữ lại một khoản tiền nhất định trước khi thanh toán giá trị quyết toán cho bên nhận thầu, gọi là tiền bảo hành[11] hoặc bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu thư bảo lãnh có giá trị tương đương với số tiền bảo hành đã thỏa thuận[12].

Trường hợp các bên thỏa thuận sử dụng thư bảo lãnh, nhưng bên nhận thầu không thực hiện, thì bên giao thầu có quyền giữ lại khoản tiền bảo hành có giá trị tương đương (được trích từ số tiền còn phải thanh toán cho bên nhận) không? Nói cách khác, nếu các bên đã thỏa thuận bảo lãnh bảo hành bằng thư bảo lãnh, thì có thể thay thế hình thức bảo lãnh này bằng biện pháp giữ lại tiền bảo hành hay không? Chúng ta chưa tìm được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi nêu trên trong các văn bản quy phạm pháp luật, vì không có quy định cấm, nhưng cũng không có quy định cho phép bên giao thầu được giữ lại tiền bảo hành trong trường hợp bên nhận thầu không nộp thư bảo lãnh theo đúng thỏa thuận.

Liên quan đến vấn đề thay thế thư bảo lãnh bằng biện pháp giữ lại tiền bảo hành, trong một vụ việc, Tòa án đã giải quyết theo hướng sau đây: “Tại hợp đồng số 01 các bên ký kết có quy định giá trị bảo hành là 05% giá trị hợp đồng, nhưng giá trị bảo hành này được thực hiện bằng chứng thư bảo lãnh của ngân hàng… Mặc khác, trong Hợp đồng số 01 hai bên ký kết không có điều khoản nào thoả thuận, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng nguyên đơn không phát hành chứng thư bảo lãnh của ngân hàng thì bị đơn được giữ lại số tiền tương đương 05% giá trị hợp đồng để xem là số tiền bảo hành công trình. Do đó, bị đơn và Viện kiểm sát cho rằng số tiền trên là số tiền bảo hành công trình là không đúng, không có căn cứ để chấp nhận”[13]. Ở đây, các bên đã thỏa thuận bảo lãnh bảo hành bằng thư bảo lãnh và không có thỏa thuận về việc bên giao thầu được giữ lại tiền bảo hành nếu bên nhận thầu không nộp thư bảo lãnh. Theo Tòa án, trường hợp bên nhận thầu không nộp thư bảo lãnh, thì bên giao thầu cũng không có quyền giữ lại tiền bảo hành có giá trị tương đương để thay thế cho thư bảo lãnh.

Hướng giải quyết nêu trên rất thuyết phục, vì tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về việc sử dụng thư bảo lãnh. Đồng thời, hướng này cũng khuyến kích bên giao thầu ứng xử một cách thiện chí, theo đó, phải tích cực yêu cầu hoặc hỗ trợ bên nhận thầu thực hiện đúng hợp đồng (nộp thư bảo lãnh) và tránh bên giao thầu lợi dụng lý do bên nhận thầu không nộp thư bảo lãnh để giữ lại và kéo dài thanh toán cho bên nhận thầu khoản tiền có giá trị tương đương thư bảo lãnh cho đến hết thời hạn bảo hành.

2.2. Hoàn trả tiền bảo hành

Thời điểm hoàn trả

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 28 và điểm a khoản 5 Điều 29 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, khi kết thúc thời hạn bảo hành và bên nhận thầu đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành, thì bên giao thầu phải hoàn trả tiền bảo hành cho bên nhận thầu. Tuy nhiên, Nghị định nêu trên không quy định thời điểm hoặc thời hạn cụ thể mà bên giao thầu phải hoàn trả tiền bảo hành cho bên nhận thầu. 

Tham khảo kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, chúng ta thấy rằng cả Tòa án và Trọng tài đều có quan điểm tiền bảo hành phải được hoàn trả vào ngày tiếp theo liền sau của ngày hoàn thành nghĩa vụ bảo hành. Cụ thể, trong một vụ tranh chấp, thời điểm hoàn trả tiền bảo hành được Trọng tài xác định như sau: “thời điểm chấm dứt nghĩa vụ bảo hành của Nguyên đơn là 24 giờ 00 ngày 05/5/2020 và thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hành Bị đơn còn giữ lại là ngày 06/5/2020…”[14]. Ngoài ra, trong một vụ án khác, Tòa án giải quyết vấn đề thời điểm hoàn trả tiền bảo hành theo hướng: “ngày hết hạn bảo hành là 17/6/2020. Hai bên đều thừa nhận hiện nay BĐ1 còn giữ số tiền giữ lại trong thời hạn bảo hành là 5% giá trị công trình bằng 5.265.000.000 đồng. BĐ1 cho rằng không thanh toán số tiền nêu trên cho NĐ do trong thời gian bảo hành công trình, BĐ1 có thông báo công trình hư hỏng nhưng NĐ không đến sửa chữa. Tuy nhiên, BĐ1 không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh nghĩa vụ thông báo của mình. Do đó, hết thời hạn bảo hành, BĐ1 có nghĩa vụ thanh toán cho NĐ số tiền 5.265.000.000 đồng nêu trên. Vậy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc BĐ1 vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ ngày 18/6/2020 là có căn cứ chấp nhận”[15]. Ở đây, công trình hết hạn bảo hành vào ngày 17/6/2020 và không có căn cứ chứng minh bên nhận thầu đã vi phạm nghĩa vụ bảo hành, nhưng bên giao thầu không hoàn trả tiền bảo hành cho bên nhận thầu. Khi đó, Tòa án cho rằng bên giao thầu đã vi phạm nghĩa vụ hoàn trả tiền bảo hành từ ngày 18/6/2020. Như vậy, bên giao thầu phải có nghĩa vụ hoàn trả tiền bảo hành vào ngày 18/6/2020 (ngày tiếp theo liền sau của ngày hết thời hạn bảo hành), mà không thực hiện nên mới bị Tòa án xác định là vi phạm nghĩa vụ.

Hướng giải quyết của Trọng tài và Tòa án trong các vụ việc nêu trên thúc đẩy bên giao thầu hoàn trả tiền bảo hành cho bên nhận thầu một cách thiện chí và kịp thời, nên rất thuyết phục.

Biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng nghĩa vụ hoàn trả tiền bảo hành

Mục trên cho thấy, hoàn trả tiền bảo hành là nghĩa vụ của bên giao thầu, phát sinh vào thời điểm hết thời hạn bảo hành và nghĩa vụ bảo hành đã hoàn thành. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về các biện pháp xử lý việc bên giao thầu không thực hiện đúng nghĩa vụ nêu trên.

Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, cả Tòa án và Trọng tài đều theo hướng bên giao thầu phải chịu tiền lãi đối với số tiền bảo hành chậm hoàn trả. Cụ thể, theo một bản án: “hiện nay BĐ1 còn giữ số tiền giữ lại trong thời hạn bảo hành là 5% giá trị công trình bằng 5.265.000.000 đồng… Do đó, hết thời hạn bảo hành, BĐ1 có nghĩa vụ thanh toán cho NĐ số tiền 5.265.000.000 đồng nêu trên. Vậy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc BĐ1 vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ ngày 18/6/2020 là có căn cứ chấp nhận. [1.2.2] Về lãi chậm trả: Do BĐ1 vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc thanh toán lãi chậm trả là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 306 của Luật Thương mại và nguyên tắc có lợi cho bị đơn để áp dụng mức lãi suất chậm trả là 1,25% như yêu cầu của nguyên đơn là phù hợp”[16]. Tương tự, trong một vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài, yêu cầu tính tiền lãi trên khoản tiền bảo hành còn phải hoàn trả được chấp nhận theo phân tích sau đây: “thời điểm chấm dứt nghĩa vụ bảo hành của Nguyên đơn là 24 giờ 00 ngày 05/5/2020 và thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hành Bị đơn còn giữ lại là ngày 06/5/2020 nhưng đến nay Bị đơn vẫn chưa thanh toán cho Nguyên đơn nên việc Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn phải trả tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả là phù hợp với quy định của pháp luật tại Điều 306 Luật Thương mại nên được Hội đồng trọng tài chấp nhận”[17]. Qua 02 (hai) vụ việc nêu trên, chúng ta thấy rằng các cơ quan giải quyết tranh chấp đã áp dụng biện pháp tiền lãi do chậm thanh toán, để xử lý việc bên giao thầu không thực hiện đúng nghĩa vụ hoàn trả tiền bảo hành. Như vậy, dường như Tòa án và Trọng tài đều cho rằng hoàn trả tiền bảo hành cũng là một dạng nghĩa vụ thanh toán, vậy nên bên giao thầu không hoàn trả tiền bảo hành đầy đủ và đúng hạn, thì phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán.

Hướng giải quyết nêu trên rất thuyết phục, bởi vì thực chất tiền bảo hành là một phần giá trị khối lượng công việc mà bên nhận thầu đã thực hiện và bên giao thầu phải thanh toán. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ bảo hành của bên nhận thầu, nên bên giao thầu đã trích và giữ lại một phần giá trị thanh toán thanh toán nêu trên. Phần giá trị thanh toán giữ lại này sẽ được hoàn trả cho bên nhận thầu khi kết thúc thời hạn bảo hành và nghĩa vụ bảo hành được hoàn thành. Trường hợp này, có thể hiểu bên giao thầu được chậm (kéo dài thời hạn) thanh toán một khoản tiền cho nhận thầu trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Vì vậy, hoàn trả tiền bảo hành cũng là một phần của nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng và nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ này thì bên giao thầu phải chịu các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán theo quy định pháp luật (như tiền lãi do chậm thanh toán và bồi thường thiệt hại) hoặc theo thỏa thuận (phạt vi phạm).

Mặt khác, trong 02 (hai) vụ tranh chấp đang được đề cập, cả Tòa án và Trọng tài đều áp dụng Luật Thương mại năm 2005 để tính tiền lãi do chậm hoàn trả tiền bảo hành. Nói cách khác, theo các cơ quan giải quyết tranh chấp, hợp đồng xây dựng nói chung và tiền lãi do chậm thanh toán, cụ thể là chậm hoàn trả tiền bảo hành nói riêng chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005. Ở đây, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng được giao kết bởi các bên tham gia đều là thương nhân và nhằm mục đích sinh lợi. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 1, khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005, các hợp đồng xây dựng đang tranh chấp cũng là hợp đồng thương mại và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005.

Ngoài ra, Luật Thương mại năm 2005 là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chung các hoạt động thương mại (Điều 1 LTM năm 2005), còn Luật Xây dựng năm 2014 là văn bản quy phạm pháp luật về một hoạt động thương mại đặc thù – hoạt động xây dựng (Điều 1 Luật Xây dựng năm 2014). Do đó, trong mối quan hệ giữa 02 (hai) văn bản nêu trên, Luật Thương mại năm 2005 được xem là luật chung và Luật xây dựng năm 2014 là luật chuyên ngành. Theo nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành: (i) Trường hợp một vấn đề được quy định trong cả luật chung và luật chuyên ngành, thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành và (ii) luật chung được áp dụng để giải quyết những vấn đề không được quy định trong luật chuyên ngành mà có quy định trong luật chung[18].

Liên quan đến tiền lãi do chậm thanh toán hoặc chậm hoàn trả tiền bảo hành, Luật xây dựng năm 2014 không có quy định. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP có quy định về tiền lãi do chậm thanh toán, nhưng Nghị định này chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và hợp đồng xây dựng giữa doanh nghiệp dự án PPP với các nhà thầu xây dựng thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là dự án PPP). Như vậy, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản liên quan không có quy định về tiền lãi do chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng không liên quan đến vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án PPP. Do đó, theo nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành, Luật Thương mại năm 2005 được áp dụng để giải quyết vấn đề nêu trên.

Theo nội dung bản án và phán quyết trọng tài đang được nghiên cứu, không có thông tin về việc các dự án đầu tư xây dựng đang tranh chấp có vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc là dự án PPP. Do đó, việc Tòa án và Trọng tài căn cứ Luật Thương mại năm 2005 để xác định tiền lãi do chậm thực hiện hoàn trả tiền bảo hành (mở rộng hơn là tiền lãi do chậm thanh toán) hoàn toàn thuyết phục và phù hợp với nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành.

3. Nghĩa vụ bảo hành trong trường hợp chấm dứt hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 145 Luật Xây dựng năm 2014, bên giao thầu và bên nhận thầu có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng khi xảy ra một trong các căn cứ được pháp luật quy định. Câu hỏi đặt ra là: Kể từ thời điểm hợp đồng xây dựng bị chấm dứt, bên nhận thầu còn phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành công trình nữa hay không? Hiện nay, vấn đề nêu trên chưa được đề cập một cách cụ thể trong Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết.

Mục 2 cho thấy, những vấn đề phát sinh chưa được quy định trong Luật Xây dựng năm 2014 (luật chuyên ngành), thì áp dụng Luật Thương mại năm 2005 (luật chung) để giải quyết. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 311 Luật Thương mại năm 2005, khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Quy định nêu trên có thể dẫn đến cách hiểu rằng, khi hợp đồng xây dựng bị chấm dứt (đình chỉ thực hiện) thì bên nhận thầu không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình, bao gồm nghĩa vụ bảo hành. Hay nói cách khác, nghĩa vụ bảo hành của bên nhận thầu cũng kết thúc, kể từ thời điểm chấm dứt (đình chỉ thực hiện) hợp đồng xây dựng.

Tham khảo thêm thực tiễn xét, theo một bản án: “Công trình đã xây dựng đạt 68,24% khối lượng, bị đơn chấm dứt hợp đồng do đến hạn hoàn thành công trình mà nguyên đơn chưa hoàn thành và hai bên cũng chưa tiến hành thanh lý hợp đồng nên việc bị đơn giữ lại số tiền 1.411.472.150 đồng để bảo hành công trình là có căn cứ theo đúng thỏa thuận tại mục 39 Điều kiện chung của hợp đồng (BL 438) nên cần sửa án sơ thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn đối với yêu cầu này”[19]. Trong vụ việc này, Tòa án đã theo hướng hợp đồng xây dựng bị chấm dứt thì bên nhận thầu vẫn phải có nghĩa vụ bảo hành công trình, nên bên giao thầu mới có quyền giữ lại tiền bảo hành.

Thật ra, khoản 1 Điều 311 Luật Thương mại năm 2005 quy định khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, thì các bên chỉ không phải tiếp tục thực hiện “nghĩa vụ hợp đồng”. Trong khi đó, bảo hành công trình là nghĩa vụ của bên nhận thầu do pháp luật quy định (điểm i khoản 2 Điều 113, khoản 1 Điều 125 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 1 Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP). Bên nhận thầu đương nhiên có nghĩa vụ bảo hành công trình xây dựng theo quy định pháp luật, mà không phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng xây dựng. Vì vậy, khi hợp đồng xây dựng bị chấm dứt, thì bên giao thầu vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo hành công trình, như hướng giải quyết của Tòa án trong vụ việc nêu trên.

Bảo hành công trình xây dựng là nghĩa vụ của bên nhận thầu, phát sinh sau thời điểm nghiệm thu và chủ yếu liên quan đến việc khắc phục, sửa chữa các hư hỏng, khiếm khuyết do lỗi bên nhận thầu gây ra. Hiện nay, mặc dù có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh nội dung bảo hành công trình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy có nhiều vấn đề pháp lý không được điều chỉnh một cách rõ ràng bởi các văn bản nêu trên. Do đó, việc tổng kết và tham khảo kinh nghiệm giải quyết của Tòa án và Trọng tài trong các tranh chấp về bảo hành công trình xây dựng, nhằm áp dụng cho những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. 

[1] Bản án số 15/2023/KDTM-PT ngày 13/3/2023 của TAND Cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh.

[2] Khoản 7 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

[3] Bản án số 08/2022/KDTM-PT ngày 11/11/2022 của TAND tỉnh Tây Ninh.

[4] Tranh chấp về việc công trình xây dựng đã hết thời hạn bảo hành hay chưa xảy ra rất phổ biến, là cơ sở xác định trách nhiệm khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết công trình của bên nhận thầu và trách nhiệm hoàn trả tiền bảo hành của bên giao thầu.

[5] Quyết định giám đốc thẩm số 28/2021/KDTM-GĐT ngày 02/6/2021 của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh.

[6] Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP:

“1. Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng:

Trước khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức và trực tiếp tham gia nghiệm thu hoàn thành toàn bộ hạng mục công trình, công trình xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Các công việc xây dựng đã được thi công đầy đủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt;

b) Công tác nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận, giai đoạn trong quá trình thi công được thực hiện đầy đủ theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Nghị định này;

c) Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan”.

[7] Bản án 09/2019/KDTM-PT ngày 08/11/2019 của TAND tỉnh Quảng Bình.

[8] Chẳng hạn, theo nội dung Bản án số 627/2023/KDTM-PT ngày 30/5/2023 của TAND Tp. Hồ Chí Minh: “điểm d khoản 7.1 Điều 7 hợp đồng quy định: d). Hồ sơ thanh toán và quyết toán: Sau khi Bên B hoàn thành toàn bộ công việc được bên A nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, Bên A sẽ quyết toán cho bên B sau khi cung cấp đầy đủ các hồ sơ sau: Văn bản đề nghị quyết toán; Bảng quyết toán khối lượng công việc hoàn thành; Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạn mục công trình bàn giao và đưa vào sử dụng; Hồ sơ, bảng giá công việc phát sinh, bổ sung (nếu có_ được Bên A duyệt; Chứng thư bảo lãnh bảo hành; Hóa đơn VAT”.

[9] Ví dụ, theo nội dung Bản án số 04/2022/KDTM-PT ngày 27/9/2022 của TAND tỉnh Gia Lai: “Tại Điều 6, tiểu mục 6.6 điểm a ghi nội dung: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu hoàn thành toàn bộ nội dung công việc theo quy định của Hợp đồng, bên B sẽ trình cho bên A 07 bộ hồ sơ quyết toán công trình”.

[10] Bản án số 172/2023/KDTM-PT ngày 04/8/2023 của TAND Tp. Hà Nội.

[11] Trích và giữ lại tiền bảo hành là biện pháp được các bên thỏa thuận áp dụng phổ biến trên thực tế. Chẳng hạn, theo một bản án: “5% giá trị hợp đồng chưa thanh toán trong biên bản nghiệm thu lần 9 không phải là khối lượng công việc chưa thực hiện mà là 5% để bảo hành công trình theo thỏa thuận của hai bên” (Bản án số 01/2023/KDTM-PT của TAND tỉnh Bắc Giang).

[12] Trong nhiều trường hợp, các bên có thể thỏa thuận về việc bên nhận thầu nộp thư bảo lãnh do tổ chức tín dụng phát hành với giá trị đã thỏa thuận để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo hành, thay vì trích lại tiền bảo hành. Ví dụ, theo một bản án: “Thời điểm thanh toán cuối cùng cho công ty A cung cấp cho Tổng công ty X thư bảo lãnh bảo hành ngày 20/9/2010 của ngân hàng V – Chi nhánh Quảng Bình có giá trị 2.535.000.000 đồng và Thư bảo lãnh bảo hành ngày 28/6/2012 của Ngân hàng B – Chi nhánh Quảng Bình có giá trị 1.670.438.000 đồng” (Bản án 09/2019/KDTM-PT ngày 08/11/2019 của TAND tỉnh Quảng Bình).

[13] Bản án số 74/2019/KDTM-PT ngày: 15/11/2019 của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh.

[14] Phán quyết trọng tài số 13/2023/PQ-TT ngày 22/8/2023 của Trung tâm Trọng tài Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (TRACENT).

[15] Bản án số 15/2023/KDTM-PT ngày: 13/3/2023 của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh.

[16] Bản án số 15/2023/KDTM-PT ngày: 13/3/2023 của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh.

[17] Phán quyết trọng tài số 13/2023/PQ-TT ngày 22/8/2023 của Trung tâm Trọng tài Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (TRACENT).

[18] Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn (2019), “Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24 (400), kỳ 2 tháng 12/2019, tr. 39 và Trương Nhật Quang và Lê Trần Quỳnh Thy (2020), “Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17 (417) kỳ 1 tháng 9/2020, tr. 16.

[19] Bản án số 01/2020/KDTM-PT ngày 20/02/2020 của TAND tỉnh Cà Mau.

https://lsvn.vn/nhung-van-de-phap-ly-phat-sinh-trong-thuc-tien-ve-bao-hanh-cong-trinh-xay-dung-1727367708.html

 Luật sư VÕ QUỐC AN

Nguồn  Tạp  Chí Điện Tử Luật Sư Việt Nam

Danh mục: Dân sự, Thương mại

Viết bình luận

<