Có phán quyết của tòa vẫn không ăn thua, sớm tháo nút thắt hoàn thuế VAT

Có phán quyết của tòa vẫn không ăn thua, sớm tháo nút thắt hoàn thuế VAT

486

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do quá bức xúc vì bị chậm hoàn thuế, một doanh nghiệp từng kiện cơ quan thuế ra tòa nhưng có phán quyết của tòa rồi mà doanh nghiệp này vẫn không được hoàn.

 
 
Cục Thuế TP.HCM cho biết sắp tới sẽ hoàn thuế VAT từng phần nhằm tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cục Thuế TP.HCM cho biết sắp tới sẽ hoàn thuế VAT từng phần nhằm tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sau bài viết “Cần sớm mở phiên điều trần về hoàn thuế VAT” (ngày 7-8), Tuổi Trẻ đã nhận thêm nhiều ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia liên quan đến câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) bị ách tắc suốt thời gian qua.

Các doanh nghiệp đều mong muốn các cơ quan chức năng nên vào cuộc để sớm tháo gỡ nút thắt này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thay vì đặt ra các quy định nhằm kéo dài việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Đang chờ hoàn thuế VAT, rơi vào danh sách rủi ro

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp cao su tại TP.HCM cho hay hơn hai năm qua chưa được hoàn thuế VAT. Ông Tân Quang Huy, giám đốc Công ty TNHH MTV Huy và Anh Em, cho biết đã nộp hồ sơ hoàn thuế từ tháng 3-2021 nhưng cơ quan thuế hết xác minh trong nước lại đến xác minh nước ngoài.

“Chúng tôi chờ mòn mỏi hơn hai năm nhưng vẫn chưa có kết quả xác minh nước ngoài và không biết còn chờ đến bao giờ. Do chưa được hoàn thuế, thời gian qua DN chỉ hoạt động cầm chừng, từ chối nhiều đơn hàng và nguy cơ mất khách hàng là rất lớn vì bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng của đối tác”, ông Huy nói.

Nhiều doanh nghiệp cao su khác còn khổ sở hơn do vừa hết “kiếp nạn” xác minh trong nước, xác minh nước ngoài thì lại rơi vào danh sách 1.500 doanh nghiệp rủi ro.

Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM nói cơ quan thuế luôn đặt ra các quy định mới để kéo dài thời gian hoàn thuế. Hết xác minh trong nước và nước ngoài, cơ quan thuế còn gửi xác minh qua công an, hải quan, quản lý thị trường.

Nếu những cơ quan này không phản hồi, cơ quan thuế có thể vin vào lý do chưa thể xác minh để chậm hoàn thuế.

“Cơ quan thuế có quyền xác minh nhưng phải đảm bảo thời gian 40 ngày với trường hợp “kiểm trước, hoàn sau”. Hoặc hoàn thuế trước cho những phần đã xác minh xong nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chứ kéo dài suốt hai năm như hiện nay thì doanh nghiệp không sống nổi”, giám đốc một công ty cao su bức xúc và đề nghị nên sớm có buổi điều trần như ý tưởng của Chủ tịch Quốc hội để doanh nghiệp và cơ quan thuế cùng được nói lên tiếng nói của mình.

Ngành thuế sẽ hoàn từng phần đã xác minh?

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do quá bức xúc vì bị chậm hoàn thuế, một doanh nghiệp từng kiện cơ quan thuế ra tòa nhưng có phán quyết của tòa rồi mà doanh nghiệp này vẫn không được hoàn.

Cụ thể, vào năm 2019, Công ty CP thương mại và đầu tư công nghệ Thủ Đô (Vĩnh Phúc) – chuyên xuất khẩu dăm gỗ – đã kiện cơ quan thuế Vĩnh Phúc ra tòa với lý do bị chậm hoàn thuế VAT hơn 44 tỉ đồng.

Đến năm 2021, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã có phán quyết, nhưng phía doanh nghiệp phản ánh đến nay Cục Thuế Vĩnh Phúc vẫn không chấp hành bản án của TAND tỉnh Vĩnh Phúc. Trong khi đó, Cục Thuế Vĩnh Phúc cho rằng đang thi hành bản án của tòa theo đúng trách nhiệm và quy định.

Theo đó, Cục Thuế Vĩnh Phúc cho hay do doanh nghiệp này có dấu hiệu rủi ro, thuộc diện kiểm tra trước và hoàn thuế sau. Cụ thể, từ tháng 5-2013 trở về trước, công ty chỉ kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống. Từ tháng 6-2013 đến nay, công ty chuyển qua kinh doanh thương mại xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc với quy mô xuất khẩu tăng đột biến.

Vào các năm 2014, 2015 và 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này có quy mô bất hợp lý, cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu và tổng số thuế nộp ngân sách năm 2016 nhỏ hơn 2% tổng doanh thu, trong khi tỉ lệ này các năm trước chỉ từ 0,05 – 0,11%. 

Tuy nhiên, khi cơ quan thuế vào kiểm tra, doanh nghiệp không hợp tác. Việc trì hoãn, không chấp hành kiểm tra của cơ quan thuế, doanh nghiệp sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ngày 7-8, trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp cao su, ông Nguyễn Tiến Dũng, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan này vẫn đang rà soát, đối thoại với từng doanh nghiệp và làm việc với Tổng cục Thuế để xem xét giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp. 

“Hướng sắp tới có thể là ngành thuế sẽ hoàn từng phần đã xác minh xong để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

* Bà Nguyễn Thị Cúc (chủ tịch Hội Tư vấn thuế):

Cần siết lại điều kiện, thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Nếu hoàn thuế cho doanh nghiệp sau khi cơ quan thuế kiểm tra thấy nhà sản xuất mua hàng có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, có hóa đơn mua vào, nộp thuế đầu ra sẽ đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Tuy nhiên, nếu sau đó cơ quan thuế kiểm tra lại và phát hiện những doanh nghiệp đã giải thể thì sẽ khó thu lại được tiền cho ngân sách nhà nước.

Vì vậy, giải pháp căn cơ là phải xử lý được tận gốc của việc lập hóa đơn chứng từ giả, kiểm soát luồng tiền, luồng hàng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xem lại việc cấp phép thành lập doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp cũng như vấn đề hậu kiểm đối với doanh nghiệp sau khi thành lập.

Theo đó, muốn lập doanh nghiệp cần phải có đầy đủ thông tin như nguồn vốn, nơi sản xuất, kinh doanh kho bãi, nhân lực… phù hợp với ngành nghề kinh doanh, tránh tình trạng doanh nghiệp lập ra làm xong một phi vụ rồi biến mất. Các ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trước mắt, để giải quyết vướng mắc hoàn thuế, việc phân loại để xác định các doanh nghiệp ít rủi ro được hoàn thuế trước là rất quan trọng. Cơ quan thuế cần phải phân loại, xem xét trường hợp nào giải quyết được thì chỉ đạo quyết liệt hoàn thuế cho doanh nghiệp. Với những trường hợp không đủ điều kiện, cơ quan thuế trả hồ sơ lại doanh nghiệp bổ sung. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.

Kiến nghị không đưa dăm gỗ vào danh sách chịu thuế VAT

Do bị ngâm tiền hoàn thuế quá lâu, nhiều doanh nghiệp kiến nghị chính sách cần quy định sản phẩm dăm gỗ sử dụng toàn bộ nguyên liệu có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước và viên nén gỗ tận thu một phần phế phẩm mùn cưa, dăm bào, bìa bắp… không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.

Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu đầu chuỗi sẽ không được hoàn thuế VAT nữa dù có thể chịu một phần thiệt thòi. Nhưng như vậy doanh nghiệp sẽ thoát “kiếp nạn” hoàn thuế VAT mà doanh nghiệp đã khổ sở mấy năm qua.

LÊ THANHÁNH HỒNG –  Báo Tuổi Trẻ

Viết bình luận

<