Công chứng Hợp đồng ủy quyền giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam tại tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam thì có cần người phiên dịch không?

Công chứng Hợp đồng ủy quyền giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam tại tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam thì có cần người phiên dịch không?

5

Người nước ngoài có thể ủy quyền cho người Việt Nam thực hiện nhiều công việc tại Việt Nam, miễn là không vi phạm quy định pháp luật như giao dịch và quản lý tài sản (trừ đất đai hoặc nhà ở ngoài dự án nhà ở), ký kết hợp đồng thương mại, làm giấy phép lao động, khiếu nại, tham gia tố tụng dân sự, hành chính…

Công chứng hợp đồng ủy quyền được thực hiện tại Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng tại Việt Nam nếu tại thời điểm công chứng người nước ngoài có mặt hợp pháp tại Việt Nam.

Theo Khoản 3 Điều 47 Luật Công chứng 2014 quy định:

“Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch.

Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng.

Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.”

Trên thực tế, khi người nước ngoài công chứng hợp đồng ủy quyền thì Văn phòng công chứng/ Phòng công chứng đều bắt buộc phải có người phiên dịch kèm theo. Người yêu cầu công chứng phải có trách nhiệm mời người phiên dịch đi công chứng cùng mình. Người phiên dịch phải xuất trình giấy tờ tùy thân, bằng cấp/chứng chỉ ngoại ngữ hoặc chứng chỉ hành nghề phiên dịch (nếu có) tùy thuộc vào từng tổ chức hành nghề công chứng có yêu cầu hay không.

*Các giấy tờ cần chuẩn bị khi công chứng hợp đồng ủy quyền:

– Dự thảo Hợp đồng ủy quyền bằng Tiếng Việt (nếu không có thì có thể yêu cầu văn phòng công chứng soạn trực tiếp nhưng có tính phí);

– CCCD/Thẻ Căn cước người được ủy quyền là công dân Việt Nam;

– Hộ chiếu của người nước ngoài (phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu);

– CCCD/Thẻ căn cước của người phiên dịch;

– Bằng cấp/chứng chỉ của người phiên dịch;

Trường hợp người nước ngoài muốn bản dịch sang ngôn ngữ của nước họ và công chứng thì có thể yêu cầu Văn phòng công chứng thực hiện nếu họ có chức năng dịch thuật. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo Khoản 1 Điều 61 Luật Công chứng 2014.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định trường hợp hai bên không thể đến cùng một tổ chức hành nghề công chứng như sau: “Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”. Nhận thấy, nếu một trong hai bên do khoảng cách địa lý, hoặc do công việc bận rộn mà không thể cùng đi công chứng được thì người ủy quyền có thể công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng gần nơi mình sinh sống sau đó chuyển cho bên nhận ủy quyền để công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền. Trường hợp này, người nước ngoài đi công chứng vẫn phải có người phiên dịch đi cùng.

Như vậy, theo quy định pháp luật khi công chứng hợp đồng ủy quyền với người nước ngoài tại tổ chức hành nghề công chứng thì không bắt buộc phải có người phiên dịch nếu người nước ngoài đó hiểu và thông thạo Tiếng Việt. Tuy nhiên, trên thực tế thì Văn phòng công chứng/Phòng công chứng đều bắt buộc phải có người phiên dịch trong trường hợp công chứng hợp đồng ủy quyền với người nước ngoài.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về việc công chứng hợp đồng ủy quyền giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam tại tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn, thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Trân trọng!

 

Luật sư Lê Quang Vũ
BTV: Nguyễn Thị Thúy
Công ty Luật TNHH MTV Công Bình
Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM
Điện thoại: 096 567 3939 – 0913 663344
Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

 

Viết bình luận

<