Bồi thường tai nạn lao động

Bồi thường tai nạn lao động

640

 

Anh Nguyễn Văn Đ. hỏi:

Tôi đã ký kết hợp đồng lao động và đang làm việc tại công ty gỗ A ở huyện Củ Chi, TP.HCM từ tháng 12/2018 với mức tiền lương là 4.420.000 đồng/tháng và đã đóng bảo hiểm từ tháng 12/2018. Công việc của tôi từ trước tới nay là bắn tubi ở tổ định hình. Vào ngày 20/7/2019, tôi được tổ phó yêu cầu qua bộ phận máy cắt làm việc vì bộ phận định hình tôi đang làm tạm thời hết hàng. Do không được trang bị đồ bảo hộ nên trong quá trình làm việc tôi đã bị khúc cây nhỏ bắn vào mắt và tôi phải đi bệnh viện cấp cứu. Kết quả tôi bị mù một mắt với tỷ lệ thương tật được giám định là 41%. Xin hỏi, tôi sẽ được bồi thường những khoản nào?

 

Trả lời:

Luật Công Bình xin cảm ơn câu hỏi của bạn và xin đưa ra quan điểm pháp lý đối với vấn đề của bạn như sau:

Thứ nhất, theo Điều 144 Luật Lao động 2012 và Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 người sử dụng lao động là công ty A phải có các trách nhiệm sau:

* Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả cho anh trong quá trình điều trị.

* Trong thời gian anh nằm viện điều trị, công ty A phải trả đủ tiền lương theo Hợp đồng lao động và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh. Ngoài ra, công ty A phải sắp xếp công việc phù hợp với tình hình sức khỏe của anh sau khi điều trị cũng như phục hồi chức năng nếu anh còn muốn tiếp tục làm việc.

* Lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động từ Quỹ Bảo hiểm Xã hội cho anh.

* Bồi thường cho anh theo quy định pháp luật như sau:

– Nếu tai nạn lao động không phải do lỗi của anh, khoản bồi thường được tính như sau:

Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}

Trong đó:

Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động;

0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%

– Nếu tai nạn lao động do lỗi của chính anh gây ra thì anh sẽ được công ty trợ cấp một khoản ít nhất bằng 40% mức bồi thường như trên.

Công ty A phải bồi thường cho anh trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động.

Trong trường hợp của anh, chúng tôi xét thấy tai nạn lao động xảy ra do công ty không trang bị đồ bảo hộ cho anh nên anh không có lỗi trong trường hợp này. Với mức tỷ lệ thương tật là 41% thì mức bồi thường mà công ty A phải trả cho anh là: (1,5 + {(41 – 10) x 0,4}) = 13,9 tháng tiền lương, tương đương khoảng 61.438.000 đồng.

 

Thứ hai, theo Điều 43, Điều 47 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì anh sẽ nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng theo chế độ tai nạn lao động từ Quỹ Bảo hiểm Xã hội.

* Tính theo tỷ lệ thương tật thì mức trợ cấp anh được hưởng hằng tháng được tính như sau:

{0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin}

Trong đó:

Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng. Tại thời điểm anh xảy ra tai nạn lao động, mức lương cơ sở được pháp luật quy định là 1.490.000 đồng/tháng

m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100)

Với tỷ lệ thương tật 41%, anh sẽ nhận (0,3 x 1.490.000 + (41-31) x 0,02 x 1.490.000) = 745.000 đồng/ tháng.

 

* Tính theo số năm anh đã đóng bảo hiểm xã hội, thì mức trợ cấp anh sẽ nhận được hàng tháng là:

{0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}

Trong đó:     L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Anh đóng tiền Bảo hiểm xã hội mới 1 năm nên anh sẽ nhận (0,005 x 4.420.000 + (1-1) x 0,003 x 4.420.000) = 22.100 đồng/ tháng

Tổng hai khoản trên, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội anh sẽ nhận được hàng tháng là :  767.100 đồng

Để được hưởng các khoản trên, theo căn cứ pháp luật, anh cần chuẩn bị và nộp cho công ty A hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

  1. Sổ bảo hiểm xã hội.
  2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.
  3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
  4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.” (mẫu số 05A-HSB http://vanban.bhxhtphcm.gov.vn/bitstream/BHXHTPHCM_123456789/1772/1/17.M%e1%ba%aaU-05A-HSB.docx)

Sau khi anh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên nộp lại cho công ty A thì

– Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ công ty A sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.

– Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ công ty A, cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho anh.

Chúc anh nhiều sức khỏe.

Luật sư Lê Quang Vũ

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình
Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM
Điện thoại: 08 6622 3939
Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

Tác giả