CÔNG TY LUẬT CÔNG BÌNH

Chuyện những người suýt bị tử hình oan

Chuyện những người suýt bị tử hình oan

1955

Chuyện những người suýt bị tử hình oan
(PL)- Mỗi vụ án một bối cảnh, song ít nhiều nguyên tắc suy đoán vô tội đã được thể hiện để không đẩy bị cáo tới đường cùng.

Tử tù Hồ Duy Hải trong kỳ án Bưu điện Cầu Voi (Long An) được cứu sống chỉ một ngày trước khi ra pháp trường, nay đã được VKSND Tối cao kháng nghị hủy án, như một câu chuyện trong phim ảnh.

Không chỉ có Hải mà còn có các bị cáo khác cũng suýt bị án tử hình oan nếu như không có sự vào cuộc kịp thời của những người có trách nhiệm và báo chí.

Những câu chuyện chân thực mà Pháp Luật TP.HCM ghi lại dưới đây như một hồi ức không thể nào quên của người trực tiếp tham gia những vụ án đó.

Ngày trở về của tử tù vụ vườn cam

Một đêm khuya gần 20 năm trước, tôi rủ một người bạn đi về Bến Tre rồi đến một vườn cam xơ xác ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành, bên bờ nam sông Tiền. Người bạn hỏi đứng chờ cái gì, tôi nói chờ coi có chiếc ghe nào gắn máy đuôi tôm (động cơ Kohler) đi ngang không, để coi có nghe rõ tiếng máy không.

tôi làm như vậy là vì có liên quan đến một chi tiết trong loạt bài báo kêu oan cho bị cáo Huỳnh Văn Minh trong vụ án vườn cam của hai  phóng viên bảo trâm và Mạc Đại (tức nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển). Chi tiết ấy là vào đêm Minh bị coi là đã giết người ở vườn cam này, người ta nghe có tiếng ghe gắn máy Kohler đi vào. Tức là ngoài bị cáo có thể có người khác xuất hiện và đó có thể là kẻ thủ ác nhưng cqđt đã bỏ qua để kết tội Minh.

Trước đó mấy hôm, BS pháp y Ngô Văn Quỹ bảo tôi: “Cháu thử nửa đêm nào về đứng giữa vườn cam nghe tiếng máy ghe rồi cho bác hay cảm nhận của cháu về vụ án”.

Vụ án vườn cam xảy ra ngày 12-6-1997, sau đó Minh bị tòa tuyên án tử hình về hai tội giết người và hiếp dâm.

Theo hồ sơ, Minh thức đêm canh vườn cam, nhìn qua căn chòi vườn bên thấy chị Lan ngồi đánh phấn nên đã đi qua cưỡng hiếp. Bị nạn nhân chống cự và cào cấu, Minh giết nạn nhân rồi thực hiện hành vi xâm hại.

Bị bắt, ban đầu Minh nhận tội và việc thực nghiệm hiện trường phù hợp với lời khai bị cáo. Nhưng sau đó Minh phản cung tại tòa và cả gia đình bị cáo cũng kêu oan. Tuy nhiên, tháng 8-1997, TAND tỉnh Bến Tre xử sơ thẩm và tháng 11-1997 xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên tử hình.

Báo chí vào cuộc chứng minh rằng nhiều lời khai nhân chứng bị bỏ qua. Công an đã không giám định dấu vết là tinh dịch trên thi thể nạn nhân. Vào thời điểm xảy ra án mạng có tiếng máy xuồng Kohler đi vào bến vườn nạn nhân nhưng không được làm rõ. Vết trầy xước trên người là do Minh bị gai cam va quẹt khi thu hoạch trái…

Trước ngày Minh bị đưa ra pháp trường thi hành án tử, qua liên hệ với Pháp Luật TP.HCM, gia đình Minh tìm gặp BS pháp y Ngô Văn Quỹ. Thế rồi ông cùng anh của Minh ra Hà Nội gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình kêu oan. Lập tức bà Nguyễn Thị Bình gửi văn thư cho TAND Tối cao và cơ quan này gửi công văn về TAND tỉnh Bến Tre, nơi tổ chức thi hành án. Minh được hoãn thi hành án tử đúng thời khắc cận kề.

Sau đó vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm, bản án phúc thẩm tuyên Minh mức án tử hình bị hủy để điều tra, xét xử lại. Nhưng tại các phiên xử sau đó, cơ quan tố tụng không đủ căn cứ để tuyên mức án tử hình nên đã xử Minh án tù chung thân.

18 năm sau khi thụ án, Minh được ra tù, về quê và làm lại cuộc đời dù nỗi đau và sự mất mát không gì đong đếm được.

Chuyện những người suýt bị tử hình oan - ảnh 1
Nhà báo Đức Hiển (phải) phỏng vấn bà Hoài Thu trong vụ án Lê Bá Mai (ảnh nhỏ). Ảnh: CT

Lê Bá Mai và lá thư tay

Ngày 16-11-2004, người nhà phát hiện thi thể cháu U. (11 tuổi) tại vườn mít trong trang trại của ông Dương Bá Tuân ở huyện Hớn Quản, Bình Phước và Lê Bá Mai bị bắt. Hồ sơ vụ án chỉ có cháu H. (chín tuổi) là nhân chứng trực tiếp và duy nhất thấy người đã chở U. đi.

Trong lời khai đầu tiên (ngày 15-11-2004), H. khai thấy một thanh niên đầu quấn khăn, đội nón lá, đi xe máy, mang bình xịt, bình nước đá màu đỏ chở nạn nhân đi. Cha cháu H. cũng nhận dạng người thanh niên chừng đó, theo lời kể của con. Nhưng ngay sau khi Mai bị bắt, hai nhân chứng thay đổi lời khai…

Mai kêu oan rằng bị nhục hình, bị cán bộ điều tra đánh đập. Nhưng sau đó tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Phước tuyên án tử hình Lê Bá Mai về hai tội giết người, hiếp dâm.

Báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều phân tích và đề cập những băn khoăn. Bởi lời khai nhân chứng đầy mâu thuẫn và có biểu hiện bị mớm cung, CQĐT vi phạm tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, không đối chất, không nhận dạng nạn nhân… Tuy nhiên, sau đó tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án tử hình. Mai chỉ kêu oan, không xin khoan hồng.

Khi thời gian thi hành án tử hình đến gần thì cha Lê Bá Mai gửi thư thống thiết: “Mai mới 20 tuổi, là con trai duy nhất nhưng nhà quá nghèo, phải từ Thanh Hóa vào Bình Phước làm thuê nuôi cha mẹ già. Nhiều người thân của gia đình tôi đã hy sinh trong kháng chiến. Nay đất nước đã thái bình, bản án oan này khiến dòng họ tôi tuyệt tự!”.

Thế rồi Chủ tịch nước cũng có thông báo không có cơ sở khoan hồng giảm án xuống chung thân, tức là án tử có thể được thi hành bất cứ lúc nào.

Trước tình thế ấy, tôi đã xin ý kiến lãnh đạo báo rồi viết thư cho bà Nguyễn Thị Hoài Thu, lúc đó là chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi bà vào TP.HCM trước khi đi Hàn Quốc công tác.

Nội dung thư cũng như quan điểm của những bài báo đã đăng trên Pháp Luật TP.HCM rằng không thể tước đoạt mạng sống của một người với những căn cứ không rõ ràng, đầy mâu thuẫn và quá trình tố tụng có nhiều vi phạm.

Ngay hôm sau, điện thoại của tòa soạn reo bởi thư ký của bà Hoài Thu gọi lại: “Tôi đã nhận hồ sơ, chị Thu đã đi nước ngoài và giao cho nhóm chuyên viên nghiên cứu. Trước khi lên máy bay, chị đã gửi thư hỏa tốc cho Chủ tịch nước”. Nhưng sau đóTAND Tối cao trả lời là không kháng nghị giám đốc thẩm.

Thế rồi lại thêm những lá thư công tác và công văn được bà Hoài Thu gửi đến các cơ quan chức năng. Kết quả là tháng 12-2006, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm và án tử hình của Mai bị hủy để điều tra lại từ đầu. Sau khi nghỉ hưu, bà Hoài Thu vẫn luôn quan tâm và theo dõi vụ án. Ngày 13-5-2013, đích thân bà đã đi thực địa hiện trường nơi đã xảy ra vụ án.

Quá trình tố tụng kéo dài 10 năm, Lê Bá Mai bị tuyên án tử hình. Sau khi bị hủy án tại phiên sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo không phạm tội nhưng bị cấp phúc thẩm hủy án.

Xử sơ thẩm lần ba, tòa tỉnh Bình Phước lại tuyên Mai có tội nhưng thay vì tử hình thì tòa tuyên án chung thân. Dù sau đó VKS tỉnh kháng nghị tăng nặng hình phạt, đồng thời Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan nhưng tòa phúc thẩm tuyên y án chung thân và vụ án khép lại.

Hồ Duy Hải sẽ thoát án tử?

Với vụ án Cầu Voi, sắp tới nếu TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy án, điều tra lại thì những thiếu sót về chứng cứ rất khó khắc phục. Bởi con dao Thái Lan dùng để gây án mất biệt; cái thớt dùng để đập đầu nạn nhân không còn, phải mua hàng chợ thế vào; dấu máu không thể giám định do bị phân hủy; dấu vân tay được coi là của thủ phạm không khớp với dấu vân tay của Hải…

Vì thế, nếu sự phân vân của người tiến hành tố tụng chưa thay đổi thì số phận của Hải có thể lại được “dung hòa” như Huỳnh Văn Minh và Lê Bá Mai. Còn nếu quá trình điều tra lại chứng minh được tội phạm một cách thuyết phục hoặc nếu việc điều tra, truy tố thiếu thuyết phục, không được tòa chấp nhận thì điều thay đổi không chỉ là số phận một bị án.

Theo ĐỨC HIỂN
Báo Pháp luật

Tác giả