TỰ Ý SỬ DỤNG HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI KHÁC MÀ KHÔNG ĐƯỢC CHO PHÉP CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

TỰ Ý SỬ DỤNG HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI KHÁC MÀ KHÔNG ĐƯỢC CHO PHÉP CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

1330

Hiện nay, internet phát triển, mạng viễn thông có mặt ở khắp nơi, thông tin, hình ảnh được đăng lên các trang mạng xã hội tràn lan, không được kiểm duyệt. Nhiều người đã lợi dụng lỗ hổng này của nhà mạng mà tự ý dùng thông tin, hình ảnh của người khác để quảng cáo sản phẩm, bán hàng, hay thậm chí là bôi nhọ, vu khống người đó. Vậy việc tự ý dùng hình ảnh của người khác có vi phạm pháp luật hay không, có bị truy cứu trách nhiệm hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên?

Tự ý sử dụng hình ảnh của người khác mà không được cho phép

Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.”

Việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý của người đó là xâm phậm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình và là hành vi trái pháp luật. Người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Tự ý sử dụng hình ảnh của người khác thì bị xử lý như thế nào?

Người sử dụng hình ảnh của người khác gây ảnh hưởng xấu đến người có hình ảnh, có thể bị khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất và mức độ thực hiện hành vi.

Với hành vi sử dụng hình ảnh của người khác, làm xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ thì người có hình ảnh bị xâm phạm có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm:

  • Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
  • Bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần .

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính số tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó.

 

Ngoài ra, việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống căn cứ tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 07 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Không những thế, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định việc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân, thì bị phạt tù cao nhất lên đến 07 năm hoặc phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng.

 

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về vấn đề Tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không được cho phép. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Xin cảm ơn!

Luật sư Lê Quang Vũ

Biên tập: Thanh Thủy

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình

Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM

Điện thoại: 08 6622 3939

Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

Viết bình luận

<