Hợp đồng bảo hiểm theo quy định pháp luật 2023

Hợp đồng bảo hiểm theo quy định pháp luật 2023

39

Hợp đồng bảo hiểm là căn cứ quan trọng quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng theo thỏa thuận của hai bên. Do đó, các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm phải nắm bắt được quy định pháp luật về hợp đồng bảo hiểm. Vậy, Pháp luật kinh doanh bảo hiểm ở năm 2023 đã có những quy định về hợp đồng bảo hiểm như thế nào? Hãy cùng công ty Luật Công Bình giải đáp thắc mắc về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.

Hợp đồng bảo hiểm là gì

Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng (khoản 16 Điều 4 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022).

Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:

  • Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ gồm có:

+ Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

+ Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

+ Hợp đồng bảo hiểm nhóm.

  • Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ gồm có:

+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

+ Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;

+ Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Nội dung của hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây (Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022):

  • Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
  • Đối tượng bảo hiểm;
  • Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
  • Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
  • Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
  • Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
  • Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
  • Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
  • Phương thức giải quyết tranh chấp.

Ngoài các điều khoản bắt buộc phải có nên trên hợp đồng bảo hiểm có thể có thêm các điều khoản do các bên thoả thuận thêm trong hợp đồng như gia hạn hợp đồng, chuyển nhượng hợp đồng,….

Hình thức của hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản (Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022).

Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bao gồm: hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ các bên

Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022:

* Bên mua bảo hiểm có các quyền sau đây:

  • Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm;
  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022;
  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;
  • Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều22 và Điều 35 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022;
  • Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
  • Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;
  • Quyền khác theo quy định của pháp luật.

* Bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:

  • Kê khai đầy đủ, trungthực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
  • Đọc vàhiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm;
  • Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
  • Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặcgiảm rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
  • Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong giám định tổn thất;
  • Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022,

* Doanh nghiệp bảo hiểm có các quyền sau đây:

  • Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
  • Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
  • Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022;
  • Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
  • Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểmđối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra;
  • Quyền khác theo quy định của pháp luật.

* Doanh nghiệp bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:

  • Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm,bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
  • Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm,quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
  • Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022;
  • Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;
  • Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
  • Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
  • Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
  • Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
  • Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về hợp đồng bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm mới nhất. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn.

Xin cảm ơn!

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình

Số 21/2 Đường 14A, P.Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM

Liên hệ qua điện thoại:  08 6622 3939       03 1515 8061

Liên hệ qua Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

Danh mục: Dân sự, Tư vấn

Viết bình luận

<