Từ 1-7: Bị tòa bác yêu cầu ly hôn, được nộp đơn lại ngay, không cần chờ 1 năm

Từ 1-7: Bị tòa bác yêu cầu ly hôn, được nộp đơn lại ngay, không cần chờ 1 năm

27

(PLO)-Nghị quyết 01/2024 của HĐTP TAND Tối cao có hiệu lực từ 1-7 không còn hướng dẫn việc hạn chế quyền giải quyết yêu cầu ly hôn sau khi đã bị bác đơn.

Mới đây, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2024 để hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết hôn nhân và gia đình.

Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Hướng dẫn nội dung này, Nghị quyết 01/2024 nêu: “Đang có thai” là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

“Sinh con” được xác định là thuộc một trong các trường hợp: (i) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi; (ii) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con; (iii) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

Khi đó, chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hoặc ngày đình chỉ thai nghén.

Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì: Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đây là những quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng đối với người vợ. Hướng dẫn này có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 1-7-2024.

 

Có thể thấy Nghị quyết 01/2024 không có hướng dẫn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong một khoảng thời gian nhất định sau khi vợ/chồng yêu cầu ly hôn nhưng đã được tòa án giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, tuyên bác yêu cầu, như hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Cụ thể, mặc dù quy định về hạn chế quyền ly hôn giữa Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tương tự nhau. Tuy nhiên, Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 đã nêu: “Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu toà án giải quyết việc xin ly hôn”.

Do đó, khi áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, các tòa án đều áp dụng tinh thần của Nghị quyết 02/2000 để trả lại đơn khởi kiện do người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Với Nghị quyết 01/2024, TAND Tối cao đã hướng dẫn cụ thể nên trường hợp này, tòa án phải nhận đơn khởi kiện của đương sự, không được trả lại đơn khởi kiện theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2000.

Đồng thời, căn cứ theo khoản 2, khoản 4, Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn luật này đã hết hiệu lực nên tòa án không thể áp dụng quy định của Nghị quyết 02/2000.

 
Chồng bỏ đi biệt xứ, vợ có được yêu cầu tòa cho ly hôn?
 

Viết bình luận

<