“Á khôi doanh nhân” chửi hiệu trưởng có thể bị xử lý ra sao?

64

Bất cứ một hành vi nào lợi dụng mạng xã hội để vu khống, bịa đặt, xúc phạm, nhục mạ người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Những lời lẽ bức xúc gây tranh cãi do bà H.T.T.H. đăng tải lên Facebook trước khi được bà gỡ xuống. (Ảnh: NLĐ)

Những ngày qua, các giáo viên và người dân ở huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vẫn chưa hết bàn tán về việc nữ doanh nhân H.T.T.H lên Facebook chửi hiệu trưởng và hội đồng giáo viên của Trường THPT Phú Quốc, vì nhà trường đã để con bà phải lưu ban do nghỉ quá số ngày quy định.

“Đạo đức và lương tâm của thầy hiệu trưởng và hội đồng nhà trường đã bị chó tha hết rồi…”, bà H. đăng tải trên diễn đàn Cộng đồng Phú Quốc trên mạng xã hội Facebook. Sau đó, thông tin nói trên được sửa lại thành “Đạo đức và lương tâm của thầy hiệu trưởng và hội đồng nhà trường để đâu hết rồi…”.

Trao đổi với PV về trường hợp này, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: “Đây là một hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến cá nhân thầy hiệu trưởng, tập thể các giáo viên nhà trường và đây là một hành vi vi phạm pháp luật”.

Trường THPT Phú Quốc, nơi con gái của bà H.T.T.H là em T.H.G.H theo học. (Ảnh: NLĐ)

Theo luật sư Thảo, luật An ninh mạng quy định hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của điểm a, khoản 3, điều 16. Người nào vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

“Trong trường hợp này, nếu bị xử phạt hành chính thì nhiều khả năng phụ huynh trên sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ về việc xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đối với hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Theo đó, mức phạt tiền là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng”, luật sư Thảo nhận định.

Nói về việc sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, luật sư Thảo cho rằng, hiện có rất nhiều người đã lợi dụng mạng xã hội để chửi bới, xúc phạm hoặc sỉ nhục người khác một cách vô tội vạ. Điều này xuất phát từ suy nghĩ của người dùng Facebook, khi họ nghĩ rằng đây chỉ là môi trường ảo, không ai kiểm soát nên cứ việc chửi bất kỳ ai mà họ cảm thấy phật ý hay để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn cá nhân trong cuộc sống.

“Xin nhắc lại là với môi trường mạng xã hội hiện nay, chúng ta dễ dàng đăng bất cứ thông tin gì lên trang cá nhân của mình hoặc có thể bình luận bất cứ nội dung nào bên dưới bài viết của người khác. Nhưng, tất cả các thông tin người dùng đưa lên mạng xã hội đều phải trong phạm vi pháp luật cho phép. Bất cứ một hành vi nào lợi dụng mạng xã hội để vu khống, bịa đặt, xúc phạm, nhục mạ người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Thảo nhấn mạnh.

Tương tự, luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Công ty luật Công Bình) cũng nhận định, nếu xác định được tài khoản Facebook đăng thông tin chửi thầy hiệu trưởng là của bà H. và chính bà này viết ra những dòng chữ đó, thì hành vi của bà H. đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để có thể xử lý bà H., bị hại là thầy hiệu trưởng và các giáo viên trong nhà trường phải có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến tòa án dân sự.

“Trong trường hợp này, tòa án là cơ quan có thẩm quyền phán quyết bà H. có xúc phạm uy tín, danh dự của các thầy cô giáo Trường THPT Phú Quốc hay không. Sau khi có phán quyết của tòa, các cơ quan ban ngành có liên quan mới có căn cứ xử lý, như yêu cầu phải xin lỗi công khai và xử phạt theo quy định của pháp luật”, luật sư Vũ nói và đề nghị xử lý mạnh tay trường hợp này để răn đe, làm bài học cho người dùng sử dụng mạng xã hội đúng đắn hơn.

Tóm tắt lại nội dung sự việc, con gái bà H. là em T.H.G.H (học sinh lớp 11 của Trường THPT Phú Quốc). Theo thống kê của nhà trường, trong năm học 2018 – 2019, em G.H đã nghỉ tổng cộng 50 buổi (kể cả có phép và không phép) do phải điều trị bệnh.

 

Giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở, và bà H. cũng xác nhận là con mình nghỉ học nhiều do bệnh, có xin phép giáo viên chủ nhiệm.

 

Kết quả, nhà trường đã căn cứ vào khoản 2, điểm a điều 15 – Thông tư số 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT. Thông tư nêu rõ: Học sinh nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) sẽ không được lên lớp. Vì vậy, nhà trường quyết định cho em G.H. ở lại lớp là thực hiện đúng với thông tư này.

 

Không chỉ là giám đốc một công ty du lịch ở Phú Quốc, bà H. còn được biết đến với các danh xưng “nữ hoàng ngọc trai” và “á khôi doanh nhân”.

Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả

Viết bình luận

<