Cảnh sát kinh tế kể chuyện phá các đại án tham nhũng, buôn lậu

Cảnh sát kinh tế kể chuyện phá các đại án tham nhũng, buôn lậu

275

(PLO)- Cảnh sát kinh tế xứng đáng là một trong những ‘lá chắn thép’ trong lực lượng Công an nhân dân khi triệt phá thành công hàng loạt các đại án, gây tiếng vang lớn.

Với chức năng, nhiệm vụ điều tra án tham nhũng và buôn lậu, trong năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023, Phòng Hướng dẫn và Điều tra án tham nhũng, buôn lậu (Phòng 9) thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – C03, Bộ Công an đã thụ lý, điều tra 29 vụ án với 285 bị can.

Trong số này có bốn bị can nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, hai bị can nguyên là thứ trưởng, một bị can là Chủ tịch UBND tỉnh.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Theo C03, nhiều đại án nghiêm trọng thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực đã được triệt phá thành công, thể hiện quyết tâm xử lý triệt để theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Vụ án xảy ra tại công ty AIC: Một trong những chiến công của Cảnh sát kinh tế phải nhắc đến vụ án xảy ra tại công ty cổ phần Tiến bộ AIC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, trong vụ án có 15 bị can bị khởi tố.

 
Advertisement: 0:08
 
 
 
 
 
Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng 9, C03, Bộ Công an cho biết, dấu ấn lớn mà cơ quan điều tra đã giải quyết được trong vụ án này, đó là chứng minh được hành vi can thiệp chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong việc chỉ đạo để công ty AIC được trúng thầu trái pháp luật.
Cảnh sát kinh tế kể chuyện phá các đại án tham nhũng, buôn lậu ảnh 1

Chân dung Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: AIC

Đồng thời chứng minh được nhà thầu, mà cụ thể là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC đã chi hối lộ cho hai lãnh đạo trên với số tiền là 48 tỉ đồng.

“Khó khăn lớn nhất trong vụ án này là các thủ phạm chính đã bỏ trốn, xóa hết tài liệu, chứng cứ.

Tuy vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; bằng quyết tâm cao độ và vận dụng các phương án nghiệp vụ hiệu quả, ban chuyên án đã củng cố đầy đủ các chứng cứ để làm rõ bản chất của vụ án. Qua đó, góp phần tạo nên một “dấu mốc” ý nghĩa trong lịch sử điều tra và tố tụng”- Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn nói.

Vụ án buôn lậu 3 tấn vàng trị giá 5.000 tỉ đồng: Đây là vụ án “khủng” xuyên biên giới do Nguyễn Thị Hóa, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cầm đầu.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2022 đến nay, Hóa cùng đồng phạm tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, bán cho các cửa hàng vàng trong nước để thu lời bất chính.

Cảnh sát kinh tế kể chuyện phá các đại án tham nhũng, buôn lậu ảnh 2

Các bị can trong vụ án buôn lậu 3 tấn vàng. Ảnh BCA

Vụ việc này cũng liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý do ông Lê Xuân Tùng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Cơ quan công an xác định Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế không trung thực; năm 2021 đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6 tỉ đồng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Buôn lậu” và “Trốn thuế” xảy ra tại Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Công ty Cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan; khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối Nguyễn Thị Hoá cùng 17 người khác.

Hiện vụ án vẫn đang được C03 củng cố tài liệu, chứng cứ và mở rộng điều tra, nhằm đưa tất cả các đối tượng liên quan ra chịu trách nhiệm trước pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.

Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn cho hay, các đối tượng buôn lậu vàng sử dụng thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt, tuy nhiên nhờ những biện pháp nghiệp vụ vô cùng tinh thông, ban chuyên án đã bóc gỡ được đường dây này.

“Chúng tôi đánh giá tại sao nguồn nguyên liệu vàng của nhà nước nhập khẩu chỉ có một số doanh nghiệp được cấp phép, trong khi nhập chính ngạch không có, nhưng hoạt động vàng trong nước rất sôi động.

Từ những nhận diện này, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo C03 phải nắm bắt tình hình hoạt động của các cửa hàng, công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc, đá qúy.

Qua công tác nghiệp vụ, C03 nhận thấy có dấu hiệu của nhập lậu vàng trái phép qua các cửa khẩu biên giới. C03 sau đó đã báo cáo và xin ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an để lập các chuyên án đấu tranh, bóc gỡ các đường dây”- Thượng tá Sơn nói.

 

Vụ án xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh: Một trong những thành tích nổi bật của lực lượng Cảnh sát kinh tế là phá vụ mua bán trái phiếu tại Tân Hoàng Minh.

Cảnh sát kinh tế kể chuyện phá các đại án tham nhũng, buôn lậu ảnh 3
Các bị can liên quan đến sai phạm ở Tân Hoàng Minh. Ảnh: BCA

Theo kết quả điều tra, từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022, Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh và một số thuộc cấp đã sử dụng pháp nhân của ba công ty con để phát hành chín đợt trái phiếu trái phép; với tổng số tiền 10.300 tỉ đồng, nhằm lừa đảo tiền của nhiều nhà đầu tư.

Ngày 5-4-2022, lực lượng chức năng đã tổ chức phá án, khởi tố vụ án hình sự; bắt tạm giam Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm; thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng quan trọng; phong tỏa, kê biên, tạm giữ tài sản có liên quan và đã thu hồi tổng số tiền trên 4.026 tỉ đồng.

Vụ án tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Qua công tác nắm tình hình, C03 phát hiện bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo thành lập 717 doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, lập khống hồ sơ, giả mạo phương án kinh doanh để vay vốn, rút tiền ngân hàng.

Đặc biệt, C03 phát hiện dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Công ty An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trong việc phát hành gói trái phiếu 10.000 tỉ đồng, sau đó thông đồng với các công ty liên quan như Công ty TNHH Windsor, Công ty Chứng khoán Tân Việt để huy động vốn trái phép từ các nhà đầu tư cá nhân, sử dụng số tiền huy động được vào mục đích bất hợp pháp để chiếm đoạt.

Ngày 7-10-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Lan và những người liên quan để phục vụ điều tra.

Nhận diện “đúng và trúng”

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, bên cạnh những vụ án trên, thời gian qua, không thể không nhắc đến vụ án kit test COVID-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Có thể nói, đây là một trong những vụ việc tiêu cực có quy mô lớn, phức tạp gây chấn động dư luận xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.

Cảnh sát kinh tế kể chuyện phá các đại án tham nhũng, buôn lậu ảnh 4

Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng 9, C03, Bộ Công an. Ảnh: CTV

Hay như vụ án tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương… Những vụ đại án này là điểm sáng đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ, trong các vụ án trên, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã nhận diện “đúng và trúng” các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nhiều lĩnh vực.

Quá trình điều tra không gây ảnh hưởng hoạt động bình thường của doanh nghiệp, ổn định chính trị ở địa phương; bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản cũng ngày càng triệt để hơn.

Chỉ tính riêng TP. HCM, trong vòng bảy tháng (từ 1-10-2022 đến 30-4-2023) đã thu hồi được hơn 17.000 tỉ đồng từ án kinh tế, tham nhũng

Đặc biệt, các vụ việc kể trên luôn đảm bảo tiến độ, xử lý nghiêm minh, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn cho hay, toàn lực lượng sẽ cố gắng và nỗ lực hơn nữa để bảo vệ bình yên cho nền kinh tế nước nhà.

Trong thời gian tới, lực lượng phòng chống tội phạm tham nhũng sẽ có những khó khăn nhất định xuất phát từ các vấn đề về xung đột vũ trang, lạm phát trên thế giới. Ở trong nước, nền kinh tế cũng đang gặp nhiều khó khăn.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, chúng tôi đã có những phương án kế hoạch để nhận diện ra các nhóm tội phạm dự kiến sẽ phát sinh, từ đó có các biện pháp nghiệp vụ làm công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa, chủ động được và đáp ứng được yêu cầu đặt ra”- Thượng tá Sơn nói.

Viết bình luận

<