Bị hủy án vì chia thừa kế không hết tài sản

Bị hủy án vì chia thừa kế không hết tài sản

64

(PLO)- Di sản để lại là năm thửa đất thì tòa lại tách một thửa ra thành vụ kiện khác, cho đương sự nhận chung rồi tự chia…

Mới đây, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ chia thừa kế giữa nguyên đơn là bà H và bị đơn là ông T. Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo của bà H và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Kiện chia thừa kế vì không được tách giấy riêng

Theo đơn khởi kiện, bà H trình bày: Cha mẹ bà lần lượt qua đời vào năm 2001 và 2013. Hai cụ có tất cả chín người con. Cha mẹ mất, để lại khối tài sản là quyền sử dụng đất gồm ba thửa ở quận Thốt Nốt và hai thửa tại huyện Vĩnh Thạnh (trước đây cả năm thửa cùng thuộc huyện Thốt Nốt).

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 1998 đứng tên hộ mang tên cụ ông nhưng thực chất là tài sản chung của hai cụ. Hiện nay, giấy này do bị đơn T giữ.

Bà H nhiều lần yêu cầu bị đơn tách quyền sử dụng phần đất gia đình bà đang ở và sử dụng (tại một thửa ở quận Thốt Nốt) nhưng bị đơn không đồng ý. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia di sản thừa kế cho các anh chị em bằng hiện vật (tức chia bằng đất).

Ông T cũng thừa nhận cha mẹ có để lại năm thửa đất như nguyên đơn trình bày. Ông cho rằng sau khi cụ bà mất, năm 2008 cụ ông lập tờ di chúc (có chứng thực của UBND xã). Theo nội dung di chúc, ông T được thừa hưởng toàn bộ di sản của cha để lại cùng với phần di sản cụ ông được thừa hưởng trong phần di sản của cụ bà để lại.

Từ đó, bị đơn yêu cầu tòa công nhận di chúc là hợp pháp và cho ông được hưởng thừa kế theo di chúc, ưu tiên ổn định cho ông các phần đất trên ba thửa ở quận Thốt Nốt vì đã sử dụng hơn 30 năm. Ngoài ra, trong một thửa này có khoảng 3.900 m2 do ông xuất tiền mua. Phần di sản còn lại, sau khi chia theo di chúc thì bị đơn đồng ý chia thừa kế cho các anh chị em.

Nhận định một đằng, chia một nẻo

Tòa sơ thẩm xác định hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ gồm tám người con còn sống. Một người con đã chết trước hai cụ thì các con của người này được thừa kế thế vị. Tất cả những người trên đều có quyền hưởng thừa kế, không ai thuộc diện từ chối nhận di sản, cũng không ai thuộc diện người không được quyền hưởng di sản.

Quyền sử dụng đất của hai cụ đối với năm thửa đất chưa được chuyển giao cho ai nên được xác định là di sản thừa kế của hai cụ để lại.

Tòa công nhận di chúc của cụ ông để lại là hợp pháp và chia khối tài sản thành 20 phần bằng nhau, bị đơn được hưởng 12/20 tổng khối di sản. Tòa này tính tổng diện tích cả năm thửa đất là hơn 36.500 m2, phần của bị đơn sẽ là hơn 21.900 m2.

Tuy nhiên, tòa căn cứ theo bản trích đo địa chính, trừ ra các phần đất có ký hiệu A, B, C, D, E (là phần các anh chị em khác đang sử dụng) thì bị đơn đang trực tiếp quản lý, sử dụng hơn 21.600 m2, ít hơn phần được quyền hưởng thừa kế (300 m2). Do bị đơn phản tố yêu cầu ổn định phần này và đồng ý nhận diện tích trên nên tòa đồng ý luôn.

 

Đối với tám phần còn lại, tòa chia mỗi phần tương ứng hơn 1.800 m2. Nhưng tòa lại cho rằng ba người con khác và những người thừa kế thế vị không có yêu cầu chia thừa kế. Cạnh đó, một trong hai thửa đất ở huyện Vĩnh Thạnh chưa xác định được ranh với thửa còn lại và có sự đổi đất canh tác tại một trong hai thửa này giữa những người trong nhà với nhau.

Nếu phân chia thừa kế tại thửa đất này sẽ phát sinh quan hệ về chuyển đổi quyền sử dụng đất chưa được giải quyết. Do đó, tòa tách phần di sản là thửa đất trên ra để giải quyết trong vụ kiện khác khi có tranh chấp.

Sau khi tách một thửa đất ra, tòa tính phần di sản còn lại (sau khi chia cho bị đơn) là phần đất ký hiệu A, B, C, D, E của ba thửa ở quận Thốt Nốt và một thửa ở huyện Vĩnh Thạnh có tổng diện tích hơn 4.000 m2. Phần này chia đều cho bốn người có đơn yêu cầu chia thừa kế, trong đó có nguyên đơn, mỗi phần tương ứng sẽ là hơn 1.000 m2.

So với kỷ phần thừa kế theo pháp luật mỗi người hơn 1.800 m2 thì bốn người trên còn thiếu hơn 800 m2, phần thiếu này nằm trong thửa đất để lại chưa chia nêu trên, sau này các đương sự có thể khởi kiện trong vụ án khác.

Ngoài ra, tòa nhận định do bị đơn và bốn người khác thống nhất nhận chung tài sản rồi sẽ tự phân chia nên cho bốn người này nhận chung phần di sản hơn 4.000 m2.

Không thể thi hành án

Sau đó, nguyên đơn và một số người liên quan kháng cáo, yêu cầu hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

HĐXX phúc thẩm nhận định những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có đơn từ chối nhận di sản mà tòa không chia di sản cho họ là không đúng. Tòa tách một phần di sản ra thành vụ án khác là không giải quyết triệt để vụ án.

Nguyên đơn và nhiều người liên quan cho rằng lúc còn sống được cha mẹ cho đất, cất nhà ở nhưng biên bản thẩm định tại chỗ của tòa không thể hiện rõ hiện trạng vị trí. Việc tòa sơ thẩm phân chia di sản cho nguyên đơn và ba người khác theo kiểu tự phân chia nhau là không khả thi, không thể thực hiện được khi thi hành án…

Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND quận Thốt Nốt xét xử lại theo quy định.

Quan điểm của VKS

Tại tòa, đại diện VKS đã nêu ra các vi phạm của cấp sơ thẩm. Trong đó, đáng chú ý như khi phân chia, tòa sơ thẩm cộng hết các thửa đất xong lại tách một thửa ra thành vụ kiện khác là không đúng.

Các đương sự yêu cầu chia hết đất nhưng tòa tách ra là không giải quyết hết vụ án. Mặt khác, các đương sự yêu cầu chia theo thực tế đang sử dụng nhưng tòa lại không xác định vị trí rõ ràng của từng người thì sẽ không thi hành án được…

Đại diện VKS cho rằng các sai sót nêu trên cấp phúc thẩm không khắc phục được, cần hủy án sơ thẩm để xét xử lại. Do đó, kháng cáo của nguyên đơn và người liên quan là có căn cứ.

Danh mục: Dân sự, Thừa kế

Viết bình luận

<