Điều kiện Đăng ký thường trú tại Cơ quan Nhà nước

Điều kiện Đăng ký thường trú tại Cơ quan Nhà nước

31

1. Cơ sở pháp lý

– Luật cư trú năm 2020;

– Nghị định số 62/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật cư trú;

– Thông tư 55/2021/TT-BCA Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú.

2. Các trường hợp và điều kiện cần đáp ứng để được đăng ký thường trú

2.1 Đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

Ví dụ: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);..…

2.2 Đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình

Công dân muốn đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

– Vợ hoặc chồng về ở với nhau; con cái về ở với cha, mẹ và ngược lại;

– Người cao tuổi về ở với anh, chị, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông bà, anh chị em ruột, bác chú cậu ruột, cô dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

– Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ, ông bà, anh chị em ruột, bác chú cậu ruột, cô dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

2.3 Đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ

Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (trừ các trường hợp ở mục 2.1) khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó, đồng thời phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

Lưu ý: Công dân đăng ký thường trú trong trường hợp này phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định, bao gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2.4 Đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo

Các đối tượng sau đây là công dân Việt Nam được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở, cụ thể:

  • Người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;
  • Người đại diện cơ sở tín ngưỡng;
  • Người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng;
  • Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú.

Căn cứ Điều 7 Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh:

2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh là chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo gồm một trong giấy tờ sau: Thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thông báo kết quả người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoặc giấy tờ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng là văn bản công nhận người đại diện cơ sở tín ngưỡng hoặc thành viên ban quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.”

2.5 Đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội

Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

Theo Điều 8 Thông tư 55/2021/TT-BCA thì giấy tờ, tài liệu xác nhận về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp gồm một trong các giấy tờ sau: Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội; Quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc giấy tờ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA thì chủ hộ tại cơ sở trợ giúp xã hội là cá nhân đang sinh sống tại cơ sở trợ giúp xã hội và do những người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp thống nhất đề cử. Tuy nhiên, nếu không thống nhất đề cử được chủ hộ thì chủ hộ là người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp do người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định.

2.6 Đăng ký thường trú tại phương tiện làm nghề lưu động

Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi người này là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú; phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở.

Đối với người chưa thành niên, việc đăng ký thường trú phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.

3. Thẩm quyền đăng ký thường trú

Công dân có thể đến đăng ký thường trú tai các cơ quan sau:

– Công an xã, phường, thị trấn;

– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Như vậy, khi công dân đáp ứng được những điều kiện trên thì đến cơ quan Công an địa phương nơi mình cư trú để làm thủ tục đăng ký thường trú theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về vấn đề điều kiện đăng ký thường trú của công dân tại Việt Nam. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn, thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Trân trọng!

Luật sư Lê Quang Vũ
BTV: Nguyễn Thị Thúy
Công ty Luật TNHH MTV Công Bình
Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM
Điện thoại: 096 567 3939 – 0913 663344
Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

Viết bình luận

<