Khám sức khỏe làm di chúc: Cần giám định tâm thần, lại khám lung tung

Khám sức khỏe làm di chúc: Cần giám định tâm thần, lại khám lung tung

164

Để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc, pháp luật yêu cầu người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt. Tuy không có quy định nào buộc phải có giấy xác nhận việc này nhưng theo yêu cầu của các cơ quan công chứng, chứng thực hay theo hướng dẫn của nhiều luật sư, nhiều người dân đã đến khám tại các bệnh viện (BV). Nhiều thủ tục rườm rà đã phát sinh mà ai có đi khám mới thấu hiểu hết.

10 “cửa ải” phải vượt qua

Bạn đọc Sơn Khê (Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh: Sáng 7-10, ông đưa người chú đến Trung tâm Chẩn đoán y khoa – BV Bà Rịa để khám sức khỏe lập di chúc. Sau khi nộp hồ sơ, đóng tiền và viết xong lời khai, họ buộc phải đi tới đi lui khám cho đủ…10 nơi. Nào là đo mắt, thử máu, thử nước tiểu, khám răng hàm mặt, chụp phim phổi, khám da liễu, khám tâm thần… Hai người chia nhau người trên lầu, người dưới trệt chờ nhận kết quả vậy mà cũng mất gần một ngày mới xong. Nhiều người cao niên đến BV với lý do tương tự cũng hết sức mệt mỏi và chán nản vì phải chờ đợi quá lâu trong ngột ngạt và nóng bức.

TP.HCM có làm khác Bà Rịa-Vũng Tàu? Từ thông tin trên, PV đã đi vòng quanh các BV tại TP.HCM để nắm tình hình. Thật bất ngờ, nhiều BV cũng yêu cầu người đến khám để lập di chúc phải khám rất nhiều thứ giống y như đi khám sức khỏe để xin việc hay thi bằng lái xe!

Khám sức khỏe làm di chúc: Cần giám định tâm thần, lại khám lung tung ảnh 1

Việc khám sức khỏe tổng quát như các bệnh nhân thông thường liệu có cần thiết khi người làm di chúc chỉ yêu cầu còn minh mẫn? Ảnh minh họa: HTD

Trong vai một người cần tìm hiểu thông tin để đưa người bác đi công chứng di chúc, PV được một nữ nhân viên ở phòng 208 BV quận Tân Bình hướng dẫn cần phải khám đầy đủ các thứ như đo huyết áp, mắt, tai, mũi, họng, ngoại khoa, nội khoa, thần kinh…

Các BV như BV quận Phú Nhuận, quận 12, quận 3, Thống Nhất, Nguyễn Tri Phương… cũng có cách làm tương tự. Khi nghe PV than thở ông bác đã lớn tuổi, đi lại khó khăn mà phải khám nhiều thứ ở nhiều phòng khác nhau thì vài nhân viên gợi ý có thể mời bác sĩ đến tận nhà để khám.

Pháp luật bỏ lửng

“Có quy định nào của ngành y tế về việc khám minh mẫn, sáng suốt hay không?”. Với câu hỏi này của PV, nhiều BV khẳng định “không”, nhiều BV nói “chưa rõ”… “Tại sao khám tổng quát mà không là khám chuyên khoa?” – nhiều BV không có câu trả lời.

Liên quan đến việc công chứng, chứng thực di chúc, pháp luật trước giờ không yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về việc còn minh mẫn, sáng suốt. Nhưng trên thực tế, để phòng ngừa tranh chấp, đảm bảo sự an toàn cho chính mình, nhiều UBND phường, xã và công chứng viên (CCV) đã bắt buộc người dân phải nộp giấy xác nhận trên.

Một số CCV tại TP.HCM thừa nhận “đúng là đòi hỏi này không có cơ sở pháp lý” và “giấy xác nhận ấy không hẳn chính xác 100%”. Song nếu không có để lưu vào hồ sơ thì không yên tâm. Bởi trong trường hợp bị cơ quan điều tra “hỏi thăm”, lấy gì để CCV chứng minh là đương sự hội đủ các điều kiện để lập di chúc, tức việc công chứng là hợp pháp. Để “chắc cú”, nhiều CCV đã đề nghị người dân làm giấy xác nhận và theo thời gian thì việc này trở thành một quy định bất thành văn trong “làng” công chứng. Tất nhiên, việc khám cụ thể là của các BV. Phía CCV thì ngoài giấy đó vẫn thường xuyên tự mình kiểm chứng đương sự lúc làm di chúc có tỉnh táo không, thần kinh có vấn đề không bằng cách đặt vài câu hỏi thông thường mà nếu là người bình thường thì đều trả lời được. Chẳng hạn, ông/bà họ tên gì, đến đây để làm gì, có tài sản gì, muốn để lại tài sản cho ai v.v…

Theo cách hiểu thông thường, cái gọi là minh mẫn, sáng suốt liên quan đến tâm thần và trong việc làm di chúc thì điều cần tập trung làm rõ không phải là người đó khỏe hay không khỏe mà là có tỉnh táo để hiểu mình đang làm gì không. Đối với các BV không có chuyên khoa thần kinh, kết quả ghi nhận liệu có chính xác hay chỉ là hình thức? Khi chủ yếu là khám tâm thần thì các công đoạn khác của việc khám tổng quát liệu có thừa thãi vì đang gây phiền hà cho người đến khám? Nếu thấy thật sự cần thiết, phải luật hóa giấy xác nhận của BV và cả công đoạn khám liên quan để tránh sự tùy tiện.

Mời bạn đọc có ý kiến về những việc này.

Bác sĩ VŨ KIM HOÀNPhó phòng Kế hoạch Tổng hợp – BV Tâm thần TP.HCM:

Nên giám định tâm thần

Để xác định người nào đó có sáng suốt, minh mẫn hay không thì cần phải làm giám định tâm thần. Giám định này có những bước cụ thể như: Tìm hiểu ý thức của người đó để xem họ có đủ tỉnh táo để biết mình muốn gì, cần gì; kiểm tra khả năng nhận biết để thấy họ có nhận biết được mình là ai, nhận biết thời gian, người thân…; kiểm tra trí năng, trí nhớ; các rối loạn về cảm giác-tri giác, tư duy. Ngoài các khâu này thì nếu cần phải làm thêm một số test chuyên môn để xem người đi khám có giấu bệnh hay không, nếu giấu bệnh thì thang điểm về nói dối sẽ có chỉ số cao hơn những thang khác. Đồng thời, cũng cần để ý thêm về hành vi, tác phong, cử chỉ và cảm xúc của đương sự. Nếu đương sự vượt qua các khâu kiểm tra thì mới được xác nhận là còn đủ sáng suốt và minh mẫn về mặt tâm thần. Những trường hợp còn chưa rõ ràng sẽ phải làm thêm những kiểm tra chuyên sâu khác, có khi phải khám đi khám lại nhiều lần hoặc phải hội chẩn để có kết quả cuối cùng.

Theo tôi, để xác định một người còn minh mẫn hay không thì chỉ cần giám định tâm thần là đủ. Những khâu khám tổng quát như cân, đo huyết áp, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu… chỉ cần để chứng nhận khả năng sức khỏe làm việc hay thi bằng lái xe, còn để làm di chúc thì không cần thiết.

MINH HIẾU ghi

Khám tổng quát để phát hiện bệnh

Do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc khám sức khỏe để lập di chúc nên một số BV áp dụng theo quy định khám sức khỏe để xin việc hay thi bằng lái xe. Tuy chủ yếu là khám tâm thần nhưng về mặt bệnh lý cũng cần phải khám tổng quát vì có những trường hợp khi khám khâu này sẽ phát hiện ra bệnh ở khâu khác. Hơn nữa, những khiếm khuyết của cơ thể ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc lập di chúc.

Bác sĩ VÕ VĂN MINHPhó Giám đốc BV quận Phú Nhuận

Phải có chuyên môn về tâm thần thì mới chính xác

Về mặt chuyên môn thì theo tôi, các BV chỉ cần xem xét kỹ về mặt tâm thần của người lập di chúc là đủ. Chính vì thế, những người có nhu cầu được xác nhận minh mẫn, sáng suốt để lập di chúc nên đến những trung tâm y tế có chuyên môn sâu về tâm thần để có kết quả chính xác nhất.

Bác sĩ NGUYỄN NGỌC QUANG,
Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM

NHÓM PHÓNG VIÊN – BÁO PHÁP LUẬT

Viết bình luận

<