QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG

239

Tài sản của một người để lại sau khi chết đi được gọi là di sản. Phần di sản này sẽ được trả nợ hoặc phân chia cho con, cháu… Vậy có phải tất cả tài sản mà người chết để lại đều có thể được sử dụng để trả nợ hoặc phân chia hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.

Di sản dùng vào việc thờ cúng là gì?

Di sản dùng vào việc thờ cúng là phần di sản mà theo di nguyện của người chết là dùng tài sản đó để phục vụ cho việc thờ cúng.

Di sản dùng vào việc thờ cúng thường gặp như là nhà thờ họ, nhà tổ, nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, một khoản tiền, vàng… Phần di sản này là phần di sản không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc. Vì thế, di sản dùng vào việc thờ cúng không được coi là di sản thừa kế và không thuộc sở hữu của riêng bất cứ cá nhân nào.

Có được chia di sản thờ cúng hay không?

Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp di sản thờ cúng được chia theo di chúc thì người lập di chúc phải chỉ định rõ người được giao để quản lí di sản. Nếu di chúc không chỉ định người quản lí dùng vào việc thờ cúng thì những người thừa kế thỏa thuận giao di sản dùng vào việc thờ cúng cho một người thừa kế trông coi, sử dụng.Trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì di sản thờ cúng sẽ do người thừa kế theo pháp luật đang quản lý hợp pháp phần di sản đó tiếp tục quản lý.

Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp người để lại di sản không lập di chúc; hoặc lập di chúc nhưng không dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng; hoặc di chúc để lại không hợp pháp, nên khối di sản để lại chỉ có thể chia theo pháp luật. Tại Điểm b Khoản 1 Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015, khi chia di sản theo pháp luật thì những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận cách thức chia di sản. Vì thế, các đồng thừa kế có thể cùng nhau thỏa thuận để trích ra một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Pháp luật hiện hành luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản cho người đó (trả nợ…), thì toàn bộ di sản, bao gồm di sản thờ cúng phải được ưu tiên dùng để thanh toán nghĩa vụ tài sản cho người chết nhằm bảo vệ người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về vấn đề quy định pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp cho chúng tôi.

Xin cảm ơn!   

 

Luật sư Lê Quang Vũ

Biên tập: Thanh Thủy

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình

Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM

Điện thoại: 08 6622 3939

Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

Viết bình luận

<