Tịch thu xe ‘hết đát’, hỗ trợ ra sao?

Tịch thu xe ‘hết đát’, hỗ trợ ra sao?

174

28/02/2017 16:56 GMT+7

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20170228/tich-thu-xe-het-dat-ho-tro-ra-sao/1271657.html

TTO – Đến ngày 1-1-2018, môtô, xe gắn máy, ôtô các loại hết thời hạn sử dụng sẽ bị tịch thu theo quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Hình ảnh một chiếc xe cà tàng không biển số lưu thông trên đường

Theo quyết định này, người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ bằng cách tự chuyển đến chỗ thu hồi; chuyển giao cho cá nhân, tổ chức thu gom; chuyển giao cho các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp; chuyển lại cho các tổ chức cá nhân, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế sản phẩm.

Về quyền lợi, người tiêu dùng được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường và thông báo cho Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc Sở Tài nguyên và môi trường địa phương biết trong trường hợp nhà sản xuất từ chối tiếp nhận sản phẩm thải bỏ.

Hiện tại vẫn chưa có những hướng dẫn, quy định cụ thể về niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy. Tuy nhiên, trong trường hợp xe môtô, xe gắn máy bị tịch thu, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách hỗ trợ người dân trước khi tiến hành bởi phần lớn những người sử dụng xe máy cùi, xe máy hết đát là dân nghèo, chiếc xe là “cần câu cơm” duy nhất của họ.

Nếu tịch thu mà không có sự hỗ trợ kịp thời, rất có thể cuộc sống của những người dân này sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tịch thu càng sớm càng tốt

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Hội Xã hội học Việt Nam, việc cho lưu thông những phương tiện quá đát, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là đe dọa sự an toàn chung của xã hội.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý Giao thông vận tải, khẳng định ông rất ủng hộ việc tịch thu càng sớm càng tốt những phương tiện quá hạn sử dụng bởi đây là cách thiết thực để bảo vệ môi trường và giảm thiểu những tai nạn có thể xảy ra cho chính người sử dụng và người tham giao lưu thông cùng.

Đồng tình,PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng pháp luật phải bình đẳng với tất cả mọi người, không thể lấy lý do chiếc xe là “cần câu cơm” hay cuộc sống quá khó khăn để cho phép lưu hành những chiếc xe đã quá “đát” hay không còn đảm bảo độ an toàn cần thiết khi vận hành.

Có thể hỗ trợ tiền hoặc đổi phương tiện cho người nghèo

Theo các chuyên gia, nên có những chính sách hỗ trợ những đối tượng mà chiếc xe máy chính là phương tiện kiếm sống của họ.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, có những chính sách hỗ trợ thì việc triển khai quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về việc thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng kể từ ngày 1-1-2018 mới đạt sự đồng thuận, hiệu quả.

Hình thức hỗ trợ có thể là tiền, ưu đãi khi mua phương tiện mới hoặc cơ hội việc làm …

“Có thể tính toán mức giá hợp lý để mua lại các phương tiện này. Từ đó, người dân có chi phí để trang trải, tìm kiếm một phương tiện khác để mưu sinh”, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nêu ý kiến.

Luật sư Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật Người Nghèo TP.HCM, đánh giá hỗ trợ người dân nghèo thật sự có phương tiện để mưu sinh là một chính sách mà Nhà nước cần thực hiện mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là thời điểm sắp tới (1-1-2018) khi Nhà nước thực hiện thu hồi, thải bỏ ôtô, xe máy hết hạn sử dụng, không đủ điều kiện lưu thông.

“Khi tiến hành thu hồi, thải bỏ ôtô, xe máy không đủ điều kiện lưu thông thì Nhà nước không có trách nhiệm phải hỗ trợ tất cả các tổ chức, cá nhân bị thu hồi, không thể cứ mang xe đến nộp thì được hỗ trợ, mà chỉ nên xem xét hỗ trợ những người nghèo tự nguyện giao nộp xe không đủ điều kiện lưu hành.

Bởi vì có những cá nhân, tổ chức không nghèo nhưng vẫn sử dụng ôtô, xe máy không đủ điều kiện lưu hành để chở hàng hóa nhằm đối phó với cảnh sát giao thông, khi bị bắt có thể bỏ luôn xe”, ông Vũ nói.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình lại bày tỏ sự băn khoăn bởi bên cạnh những đối tượng khó khăn thật sự, phải dùng xe máy hết hạn sử dụng để mưu sinh thì vẫn còn những người chủ lợi dụng nhóm đối tượng này để trục lợi, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Vì thế, việc hỗ trợ bằng tiền hay nhiều hình thức khác, nếu có, thì đảm bảo đến đúng địa chỉ người cần hay không.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh nêu quan điểm địa phương là nơi nắm rõ nhất hoàn cảnh, điều kiện của từng cá nhân, hộ gia đình. Vì vậy, địa phương cần phải rà soát, lập danh sách những người nghèo khi họ tự nguyện nộp phương tiện hết “đát” mà vốn là phương tiện mưu sinh của họ.

“Phải làm sao đảm bảo được rằng các chính sách hỗ trợ đến được với người thật sự cần nó một cách rõ ràng. Theo tôi, chúng ta có thể nghĩ đến phương án giúp người bị tịch thu phương tiện một phần nào đó để họ đổi được một chiếc xe mới, thay vì chỉ thu mua lại bằng tiền”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nêu ý kiến.

Đồng tình, luật sư Lê Quang Vũ cho rằng nên hạn chế việc hỗ trợ bằng tiền mặt vì đó không phải là phương tiện mưu sinh lâu dài. Nhà nước nên liên kết với các công ty sản xuất, kinh doanh xe, các tổ chức tín dụng để có chính sách hỗ trợ cho người nghèo tự nguyện giao nộp xe không đủ điều kiện lưu hành được vay mua xe trả góp với lãi suất ưu đãi, thế chấp bằng chính chiếc xe đó.

Những trường hợp còn đủ sức lao động muốn chuyển đổi nghề nghiệp thì cần được hỗ trợ giới thiệu việc làm miễn phí.

VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN (TTO)

Tác giả

Viết bình luận

<