Hội đồng Thẩm phán có hướng dẫn mới về giải quyết ly hôn, chia tài sản

Hội đồng Thẩm phán có hướng dẫn mới về giải quyết ly hôn, chia tài sản

21

(PLO)- Nghị quyết 01/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn các quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, thuận tình ly hôn, ly hôn đơn phương, chia tài sản khi ly hôn…

Ngày 16-5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Nghị quyết hướng dẫn các quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, thuận tình ly hôn, ly hôn đơn phương, chia tài sản khi ly hôn…

Đơn cử, khái niệm “vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn” tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (Thuận tình ly hôn) được hướng dẫn là trường hợp vợ chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc một bên có đơn khởi kiện ly hôn, còn bên kia đồng ý ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Hay khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Tuy nhiên, trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

ly hôn
Hướng dẫn mới về việc giải quyết các vụ án ly hôn.

Hướng dẫn nội dung này, Nghị quyết 01 nêu: Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 661 của Bộ luật Dân sự là trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu chia di sản này cho người thừa kế thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất…

 

Ví dụ 1: Trước khi kết hôn, anh A mua được một ngôi nhà cấp 4 có diện tích 35 m2. Sau đó anh A kết hôn với chị B và không nhập ngôi nhà này vào khối tài sản chung của vợ chồng. Sau khi sinh được một người con thì anh A chết và không để lại di chúc.

Bố mẹ của anh A yêu cầu chia di sản thừa kế là ngôi nhà của anh A. Chị B và con không có chỗ ở nào khác và cũng chưa có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác. Ngôi nhà này lại không thể chia được bằng hiện vật. Trong trường hợp này việc chia di sản thừa kế là ngôi nhà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị B và con.

Ví dụ 2: Anh C và chị D kết hôn với nhau và mua được ngôi nhà có diện tích 35 m2. Sau khi sinh được một người con thì anh C chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh C yêu cầu chia di sản do anh C để lại là phần nhà của anh C trong ngôi nhà này. Chị D và con không có chỗ ở nào khác, trong khi đó ngôi nhà này nếu chia bằng hiện vật thì không bảo đảm cho việc sinh hoạt tối thiểu của chị D và con; nếu buộc chị D phải thanh toán bằng tiền phần thừa kế mà bố mẹ anh C được hưởng thì chị D cũng không có khả năng. Trong trường hợp này, việc chia di sản thừa kế phần nhà của anh C trong ngôi nhà có diện tích 35 m2 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị D.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 24-4-2024 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

NGUYỄN NGỌC – BÁO PL

Viết bình luận

<