Các Chủ Thể Được Tham Gia Vào Hợp Đồng Bảo Hiểm

Các Chủ Thể Được Tham Gia Vào Hợp Đồng Bảo Hiểm

80

 

Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ, các bên trong tham gia vào hợp đồng bảo hiểm  đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Vậy, Pháp luật kinh doanh bảo hiểm năm 2023 đã quy định những chủ thể nào được tham gia vào hợp đồng bảo hiểm? Hãy cùng công ty Luật Công Bình giải đáp thắc mắc về vấn đề này trong bài viết dưới đây:

Hợp đồng bảo hiểm là gì?

Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng (Khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

 

Chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe (Khoản 17 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ là chủ thể bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng với người mua bảo hiểm.

* Lưu ý: Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải có tư cách pháp nhân với chế độ trách nhiệm hữu hạn: chỉ có công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mới có thể trở thành doanh nghiệp bảo hiểm (Điều 62 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Bên mua bảo hiểm

Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và đóng phí bảo hiểm (Khoản 24 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Như vậy, bên mua bảo hiểm bao gồm các tổ chức và cá nhân. Đối với cá nhân thì phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi (phải đủ 18 tuổi trở lên) để có đủ năng lực giao kết được hợp đồng. Là chủ thể đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên được bảo hiểm 

Bên được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, sức khỏe, tính mạng, nghĩa vụ hoặc lợi ích kinh tế được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm (Khoản 25 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Như vậy, bên được bảo hiểm không phải đóng phí bảo hiểm, pháp luật cũng không yêu cầu bên được bảo hiểm phải đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Bên được bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Người thụ hưởng

Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm (Khoản 26 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Như vậy, cũng giống như bên được bảo hiểm, người thụ hưởng không phải đóng phí bảo hiểm, pháp luật cũng không yêu cầu người thụ hưởng phải đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

* Lưu ý: Bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm, người thụ hưởng có thể là ba chủ thể khác nhau hoặc trùng nhau.

Ví dụ: Trong hợp đồng bảo hiểm con người, người chồng có thể đi mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ (người được bảo hiểm), và chỉ định người con là người thụ hưởng.

Trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, người mua bảo hiểm đồng thời là người được bảo hiểm và cũng là người thụ hưởng.

Các chủ thể trung gian

Những chủ thể này bao gồm doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm. Các chủ thể trung gian chỉ được tham gia vào quan hệ hợp đồng bảo hiểm khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

* Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 

– Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để thực hiện các hoạt động môi giới bảo hiểm (Khoản 21 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

– Các hoạt động môi giới bảo hiểm bao gồm: (Khoản 6 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022): Hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về loại hình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, chương trình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; Các hoạt động liên quan đến việc đàm phán, thu xếp giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.

* Đại lý bảo hiểm 

– Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm (Điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

– Các hoạt động đại lý bảo hiểm: hoạt động đại lý bảo hiểm là một hoặc một số hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, bao gồm: Tư vấn sản phẩm bảo hiểm; Giới thiệu sản phẩm bảo hiểm; Chào bán sản phẩm bảo hiểm; Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; Thu phí bảo hiểm; Thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm (Khoản 5 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

 

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về các chủ thể được tham gia vào hợp đồng bảo hiểm tài sản theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới nhất. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn.

Xin cảm ơn!

 

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình

Số 21/2 Đường 14A, P.Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM

Liên hệ qua điện thoại:  08 6622 3939       03 1515 8061

Liên hệ qua Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

 

Danh mục: Dân sự, Tư vấn

Viết bình luận

<