QUAY LÉN TRONG RẠP PHIM CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT HAY KHÔNG?

QUAY LÉN TRONG RẠP PHIM CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT HAY KHÔNG?

271

Ngày nay, khi đời sống vật chất của người dân được cải thiện thì nhu cầu về giải trí, thư giãn của họ cũng dần được nâng cao. Tiêu biểu cho một hình thức giải trí được ưa chuộng hiện nay là phim chiếu rạp. Tuy nhiên, khi mảng giải trí này ngày càng phát triển thì những mặt tiêu cực cũng từ đó hình thành, điển hình là tình trạng mang điện thoại vào và quay lén các bộ phim mới phát hành để đăng lên các trang mạng xã hội để mọi người có thể dễ dàng xem mà không tốn phí. Vậy, hành vi này có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì mức xử phạt cho hành vi này là bao nhiêu?

Phim rạp bản chất là tác phẩm điện ảnh được bảo hộ quyền tác giả.

Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.

Hành vi quay video, phát trực tiếp bộ phim lên mạng xã hội để chia sẻ với người khác là hành vi sao chép được quy định tại Khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009. Theo đó: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”

Khi sao chép một tác phẩm bất kỳ tổ chức, cá nhân phải thực hiện xin phép và trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp hạn chế quyền tác giả được quy định tại điểm a, điểm đ Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.

Trong trường hợp này, hành vi quay lén phim không có sự xin phép, cũng không trả nhuận bút thù lao nên đã xâm phạm đến quyền tác giả theo Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.

[…] 6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ Khoản 1 Điều 25 của Luật này.

Mức xử phạt

Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm bị xử phạt hành chính như sau:

  • Phạt tiền từ 15 – 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 225 (tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015, sửa đổi bổ sung điểm b Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

 “1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

  1. a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
  2. b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Như vậy, hành vi quay phim, phát trực tiếp nội dung phim trong rạp chiếu phim là vi phạm luật sở hữu trí tuệ, ngoài ra còn vi phạm cả nội quy của rạp chiếu phim. Là một người xem văn minh, chúng ta hãy tôn trọng công sức, chất xám của đội ngũ làm phim cũng như chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật để xây dựng một xã hội ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Công Bình về vấn đề quy định của pháp luật về vấn đề quay lén trong rạp phim. Trường hợp Quý khách hàng có nội dung nào nhầm lẫn hoặc thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Trân trọng!

 

Luật sư Lê Quang Vũ

BTV: Trần Thị Thanh Thủy

Công ty Luật TNHH MTV Công Bình

Số 21/2 Đường 14A, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TPHCM

Điện thoại: 08 6622 3939

Email: luatcongbinh@luatcongbinh.vn

Viết bình luận

<