Vụ Phở Thìn: Bài học về nhượng quyền thương mại

Vụ Phở Thìn: Bài học về nhượng quyền thương mại

44

(PLO)- Nếu chủ sở hữu có phương án bảo vệ, xử lý xâm phạm ngay từ đầu để được khai thác, sử dụng độc quyền tên gọi “Phở Thìn” thì sẽ không có những lùm xùm như hiện nay.

Từ đầu tháng 2-2023, một quán phở lấy tên “Phở Thìn” mở tại TP Thủ Đức (TP.HCM) giới thiệu là “truyền nhân” của Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ của cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội, lên tiếng rằng không có chuyện ai đó là “truyền nhân” của ông.

Phở Thìn là tên gọi được nhiều người biết đến, ai từng ăn cũng đều biết phở này xuất xứ từ Hà Nội. Tuy nhiên, việc ai là chủ sở hữu nhãn hiệu này thì không phải ai cũng tường.

Vụ Phở Thìn: Bài học về nhượng quyền thương mại ảnh 1

                                                         Ảnh minh họa. Ảnh: HG

Theo công bố chính thức tại website http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn (thư viện số về sở hữu công nghiệp của Việt Nam) thì tính đến ngày 26-2-2023, tên gọi “Phở Thìn” xuất hiện trong 13 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau.

Trong số các tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký tên gọi “Phở Thìn” có chủ đơn là ông Bùi Chí Đạt (được báo chí nhắc tới là chủ sở hữu cửa hàng Phở Thìn Bờ Hồ), ông Nguyễn Trọng Thìn (chủ sở hữu cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội), Công ty Hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội (người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trọng Thìn)…

Tuy vậy, hiện nay ở Việt Nam, chỉ ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn là đồng chủ sở hữu nhãn hiệu có tên gọi “Phở Thìn” cho nhóm ngành về dịch vụ nhà hàng (cửa hàng phở), được cấp văn bằng bảo hộ.

Trong thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu, chủ sở hữu có nhiều phương thức khác nhau để sử dụng và khai thác thương mại nhãn hiệu của mình, trong các phương thức đó có phương thức chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.

Hiện tại, chưa tìm thấy các thông tin về việc hai chủ sở hữu này có chuyển giao/hay nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn”. Bởi việc chuyển giao quyền sử dụng đối với nhãn hiệu hiện nay không phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ như quy định trước đây nhưng việc chuyển nhượng thì vẫn phải đăng ký.

Trước Phở Thìn, trong lĩnh vực về nhà hàng, có nhiều vụ việc tranh chấp, xử lý xâm phạm nhãn hiệu đã được đưa ra giải quyết bằng các biện pháp khác nhau. Điển hình như: Tập đoàn Trung Nguyên khi thực hiện kinh doanh nhượng quyền đối với cửa hàng E-Coffee nhưng nhãn hiệu “E-Coffee” đã được một công ty khác tại Việt Nam đăng ký trước đó và đã được cấp văn bằng bảo hộ. Hiện chủ sở hữu đã có thông báo rộng rãi để tránh gây nhầm lẫn với Trung Nguyên. Còn Tập đoàn Trung Nguyên đã nộp đơn đăng ký, hiện chưa có kết quả đăng ký cuối cùng. Hay như vụ việc xâm phạm nhãn hiệu “Sườn Cây” của chủ sở hữu – Công ty cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới đã được tòa án giải quyết xong.

Thực tế trong kinh doanh, ngoài phương thức chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, nhượng quyền thương mại cũng là một phương thức khai thác giá trị nhãn hiệu được áp dụng phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage, tạm dịch: Dịch vụ nhà hàng và ăn uống).

Theo Luật Thương mại, hoạt động nhượng quyền thương mại thường gắn với việc khai thác sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu. Trước khi thực hiện nhượng quyền thương mại, chủ sở hữu (bên nhượng quyền) cần thực hiện toàn bộ thủ tục đăng ký, xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ dự định sử dụng trong hệ thống nhượng quyền.

Khi được cấp giấy chứng nhận, chủ sở hữu sẽ không phải chứng minh chủ sở hữu khi có tranh chấp liên quan đến đối tượng nhượng quyền… Để an toàn nhất, chủ sở hữu nên xác lập xong quyền sở hữu đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ rồi mới tiến hành hoạt động nhượng quyền.

Trong hoạt động nhượng quyền thương mại cũng như trong hoạt động kinh doanh thông thường, nếu chủ sở hữu thực hiện triệt để các hoạt động xử lý xâm phạm, giải quyết các tranh chấp (nếu có) ngay từ sớm thì tránh được rủi ro cho hoạt động kinh doanh nhượng quyền.

Trong câu chuyện Phở Thìn hiện nay, nếu chủ sở hữu (người được pháp luật bảo hộ) có phương án bảo vệ, xử lý xâm phạm ngay từ những ngày đầu tiên (khi được cấp văn bằng bảo hộ) để đảm bảo trên thị trường chỉ một mình mình được khai thác, sử dụng độc quyền tên gọi “Phở Thìn” thì chắc chắn sẽ không có những lùm xùm như hiện nay.

Việc có những thông tin lùm xùm tranh chấp này, dù muốn hay không cũng sẽ tác động không nhỏ đến việc khai thác của chủ sở hữu, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến cả các bên khác.

Ở một khía cạnh khác, nếu các tổ chức, cá nhân khác khi có ý định sử dụng nhãn hiệu nhưng phát hiện đã được bảo hộ cho chủ sở hữu khác thì nên tránh việc đầu tư kinh doanh đối với tên gọi này để dẫn đến hậu quả pháp lý không tốt khi tranh chấp hoặc bị xử lý xâm phạm.

NGUYỄN KHẮC KHANG, Tổng giám đốc Masterbrand, tổ chức đại diện quyền sở hữu trí tuệ

Viết bình luận

<