Phải liên hệ trường để được xem xét

Phải liên hệ trường để được xem xét

122

15/09/2015 21:44 GMT+7

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150915/phai-lien-he-truong-de-duoc-xem-xet/969645.html

TTO – Theo thông tin đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-9, vì không có CMND mà Lý Ngọc Thanh Thanh (THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chưa thể nhập học đại học.

Bà Tồn, mẹ Thanh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sau khi mẹ nuôi của bà qua đời vào năm 2003, bà đi làm tứ xứ. Vốn ít chữ, bà không ý thức được mức độ quan trọng của giấy tờ tùy thân. Vì vậy trong các thủ tục, bà đều “xài đỡ” giấy báo mất CMND.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM – cho biết trong quá trình làm việc ông từng gặp và trợ giúp pháp lý đối với nhiều trường hợp tương tự. Đa số nguyên dân dẫn đến tình trạng không có CMND đều do người dân không ý thức được tầm quan trọng của loại giấy tờ tùy thân này, cộng thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn, ít hiểu biết về pháp luật.

Để được cấp giấy CMND, công dân phải đến cơ quan công an cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cấp CMND, phải xuất trình hộ khẩu thường trú, chụp ảnh, in vân tay và khai các biểu mẫu.

Theo luật sư Trạch, trường hợp của sinh viên Lý Ngọc Thanh Thanh do không có hộ khẩu nên chưa thể làm CMND. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến việc nhập học, em Thanh cần liên hệ trực tiếp nhà trường nơi thông báo trúng tuyển trình bày hoàn cảnh để được xem xét.

Luật sư Lê Quang Vũ – phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo – tư vấn: “Việc trường đại học quy định nộp bản sao CMND khi làm thủ tục nhập học nhằm tránh các trường hợp đi học giùm, học thuê vì CMND là căn cứ để xác định người đến nhập học đúng là người có tên và hình trong CMND, đúng là người có tên trong giấy báo trúng tuyển hay không”.

Theo luật sư Vũ, vì hoàn cảnh khách quan mà Thanh chưa làm được CMND nhưng với thẻ học sinh lớp 12, giấy xác nhận có dán hình của Trường THPT Trần Hưng Đạo, giấy báo trúng tuyển, em vẫn có thể chứng minh mình đúng là người đã thi đạt 20 điểm khối D1, đủ điểm xét tuyển vào ngành Việt Nam học thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng nên linh động giải quyết cho em Thanh nhập học. Nếu cần thiết thì cho em Thanh làm cam kết nộp bổ sung CNMD sau, nếu không bổ sung được sau này có thiệt thòi thì không khiếu nại.

Ông Vũ cho biết về việc xin CMND, bà Tồn nên làm thủ tục xin cấp lại lý do bị mất, còn em Thanh và em trai của Thanh (15 tuổi) xin cấp mới. Theo thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16-5-2012 của Bộ Công an thì cơ quan công an tỉnh, thành phố nơi đương sự đăng ký hộ khẩu thường trú có thẩm quyền cấp CMND. Như vậy, nhất thiết bà Tồn và hai con cần phải có hộ khẩu trước mới làm được CMND.

Về việc xin đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, bà Tồn và các con phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên. Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đăng ký tạm trú. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản và phải đảm bảo diện tích tối thiểu 5m2 sàn/người.

Luật sư Hậu cho rằng trong tình huống của em Thanh, để làm được CMND, mẹ con Thanh phải có sổ hộ khẩu ở một địa phương nhất định. Tuy nhiên, theo quy định của Luật cư trú, để làm thủ tục đăng ký thường trú, bà Tồn phải trở về địa phương nơi ngày trước cư trú cùng người mẹ nuôi để xin xác nhận về nguồn gốc nơi cư trú trước khi chuyển đến cư trú tại TP.HCM.

Mẹ con Thanh cần làm một bản tường trình gửi đến Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để được xem xét, hướng dẫn việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cũng như cấp CMND.

MẠNH KHANG – MAI NGUYỄN (Theo TTO)

Danh mục: Hành chính

Tác giả

Viết bình luận

<